SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
3
3
3
1
8
7
6
Tin tức sự kiện 04 Tháng Giêng 2011 3:05:00 CH

Qua công tác tuyên truyền pháp luật về khiếu nại, tố cáo - kinh nghiệm và thực tiễn

 
Thực hiện Đề án “Tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về khiếu nại, tố cáo cho cán bộ, nhân dân ở xã, phường, thị trấn thuộc địa bàn thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2010” (gọi tắt là Đề án 3), trong gần 03 năm (từ 2008 đến 2010), thành phố đã thực hiện được 6.004 cuộc tuyên truyền với 318.064 lượt người tham dự; biên soạn và phát hành 31.968 quyển tài liệu, 929.094 tờ gấp, tờ bướm cùng 506 băng đĩa CD; phát thanh qua hệ thống loa truyền thanh cấp xã 214.960 phút và thực hiện 21.871 bài viết trên báo, tạp chí, bản tin nội bộ. Ngoài ra, trong khoảng thời gian trên, thành phố đã thực hiện được 282 cuộc thi tìm hiểu pháp luật khiếu nại, tố cáo với 29.445 lượt người tham dự. Riêng tại Thanh tra thành phố, đã tổ chức tập huấn cho cán bộ, công chức quận, huyện, xã, phường, thị trấn được 8 cuộc với 1.628 lượt người tham dự; tuyên truyền cho nhân dân được 68 cuộc với 12.888 lượt người tham dự; biên soạn và phát hành 5.000 cuốn Cẩm nang tuyên truyền pháp luật khiếu nại, tố cáo, trên 25.000 tờ rơi, 318 đĩa CD… 
Ghi nhận: trong những hình thức hoạt động tuyên truyền thì tuyên truyền miệng là hình thức tuyên truyền trực tiếp, đạt hiệu quả nhất, có sức tác động đến người nghe nhiều nhất, qua đó nâng cao nhận thức và tiếp thu pháp luật về khiếu nại, tố cáo cho người nghe. Có thể nói tuyên truyền miệng là hình thức chủ yếu của phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung và pháp luật khiếu nại, tố cáo nói riêng bởi nó có thể lồng ghép với các hình thức tuyên truyền khác bằng cách tổ chức hội nghị, hội thảo, tập huấn… hoặc thông qua các phương tiện thông tin đại chúng như báo nói, báo hình, đài phát thanh xã, phường, thị trấn... Hình thức tuyên truyền miệng diễn ra rất linh hoạt, có thể tiến hành ở bất kỳ nơi nào, trong bất kỳ điều kiện hoàn cảnh nào. Khi thực hiện việc tuyên truyền miệng, người nói có điều kiện thuận lợi để giải thích, phân tích làm sáng rõ nội dung tuyên truyền, đưa những ví dụ cụ thể của thực tiễn hoạt động giải quyết khiếu nại, tố cáo để minh hoạ cho nội dung trình bày, giải đáp trực tiếp những thắc mắc của người nghe, do vậy buổi tuyên truyền miệng thường sinh động, thu hút được người nghe. Tuy nhiên, hình thức tuyên truyền này lại phụ thuộc khá nhiều vào năng lực, trình độ, kỹ năng, nghệ thuật của người tuyên truyền và phải được tiến hành theo một trình tự thống nhất.
Để đảm bảo hiệu quả tuyên truyền miệng, xin nêu kinh nghiệm thực hiện tuần tự các giai đoạn như sau:
1. Chuẩn bị tuyên truyền:
          Gồm 5 bước:
        Bước một, tuyên truyền viên phải nhận dạng rõ đối tượng tuyên truyền qua khảo sát trước về độ tuổi, giới tính, thành phần, trình độ văn hoá, tình hình khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo tại địa phương, ý thức pháp luật và nhu cầu tìm hiểu pháp luật của người dân...
Việc nắm bắt đối tượng tuyên truyền có thể thông qua phương pháp trực tiếp (tự điều tra tìm hiểu, gặp gỡ, quan sát..) hoặc phương pháp gián tiếp (qua tài liệu, sách báo, báo cáo tổng kết...) và phối hợp chặt chẽ với Ủy ban nhân dân cấp xã để nắm các thông tin cần thiết về thành phần tham dự.
         Đây là bước quan trọng giúp tuyên truyền viên nắm được những thông tin sơ bộ về đối tượng tuyên truyền, qua đó có sự chuẩn bị thích hợp các nội dung trình bày nhằm tránh tình trạng bị động trong quá trình tuyên truyền.
Bước hai, tuyên truyền viên phải có kiến thức chuyên sâu về lĩnh vực khiếu nại, tố cáo (đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các tài liệu lý luận, sách giáo khoa trong nước và nước ngoài về lĩnh vực khiếu nại, tố cáo). Để có được điều đó đòi hỏi tuyên truyền viên ngoài trình độ chuyên môn tốt cần phải có một quá trình nghiên cứu, tích lũy, sưu tầm, nếu là những người đã qua kinh nghiệm tham gia công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo thì sẽ càng thuận lợi.
Bước ba, tuyên truyền viên phải nắm vững nội dung văn bản tuyên truyền bao gồm: bản chất pháp lý của vấn đề được văn bản điều chỉnh, sự cần thiết ban hành văn bản, đối tượng điều chỉnh, phạm vi điều chỉnh của văn bản; ý nghĩa của các quy phạm. Ngoài ra, tuyên truyền viên cũng cần phải nghiên cứu các văn bản hướng dẫn thi hành và các văn bản, tài liệu khác có liên quan đến văn bản tuyên truyền để trong quá trình trình bày tuyên truyền viên đưa ra giải thích, minh họa đan xen chứ không chỉ đơn thuần là trình bày các quy định của văn bản. Có như vậy, bài nói chuyện mới trở nên sinh động, không gây “nhàm chán” cho người nghe.
Bước bốn, cần sưu tầm tài liệu dẫn chứng minh họa. Đây là nội dung rất quan trọng vì nó ảnh hưởng đến chất lượng và sức thuyết phục của buổi tuyên truyền. Tài liệu, dẫn chứng minh họa phải có độ tin cậy cao. Tuyên truyền viên có thể sưu tầm ở nhiều nguồn khác nhau như: thông qua báo, tạp chí chuyên ngành, đài phát thanh, truyền hình hay các trang thông tin điện tử (trang web). Tuy nhiên, cần lưu ý để chọn lọc những thông tin phù hợp với nội dung của buổi tuyên truyền. Cần tránh dẫn chứng, minh họa những tài liệu thuộc danh mục bí mật của Đảng và Nhà nước hay những số liệu dẫn chứng đã cũ không còn phù hợp, không có tính thời sự.
Bước năm, chuẩn bị đề cương tuyên truyền miệng (bao gồm đề cương sơ bộ và đề cương chi tiết). Đề cương có vai trò rất quan trọng đối với tuyên truyền viên, nó giúp cho tuyên truyền viên trình bày các vấn đề một cách mạch lạc, logic, không bỏ sót hay trùng lặp vấn đề. Đồng thời, căn cứ vào đề cương để tuyên truyền viên xác định được việc phân bổ thời gian cho hợp lý, tránh tình trạng thừa hoặc thiếu thời lượng khi trình bày.
2. Tiến hành tuyên truyền
          Gồm 03 phần:
Một là, phần mở đầu: Là phần giới thiệu vấn đề, khơi gợi nhu cầu của người nghe. Trong phần này, tuyên truyền viên phải nêu được chủ đề của buổi tuyên truyền. Có nhiều cách để vào đề, với tuyên truyền miệng về pháp luật khiếu nại, tố cáo, cách vào đề có hiệu quả thường là gợi ra những vấn đề bức xúc về khiếu nại, tố cáo tại địa bàn tuyên truyền hoặc ở các địa phương khác mà người dân đang quan tâm.
(Trong phần vào đề người nói phải nêu được một số vấn đề chủ yếu mà người nghe cần tìm hiểu nhất để thu hút sự chú ý. Cách vào đề rất đa dạng, tuỳ thuộc vào khả năng diễn thuyết của tuyên truyền viên. Tuyên truyền viên có thể bắt đầu bằng một tình huống khiếu nại, tố cáo xảy ra tại địa bàn tuyên truyền hoặc một vụ việc khiếu nại, tố cáo đang được đưa tin trên các phương tiện thông tin đại chúng mà dư luận đang quan tâm...)
Hai là, phần nội dung: Là phần chủ yếu của buổi nói chuyện làm cho đối tượng hiểu, nắm bắt được nội dung, chuyển biến nhận thức, nâng cao ý thức pháp luật cho người nghe. Cần chú ý nêu được điểm mới, có tính thời sự để người nghe chú ý. Khi tuyên truyền không nên đọc nguyên văn văn bản để tránh sự nhàm chán. Khi nói cần phân tích, giải thích và nêu ý nghĩa của văn bản pháp luật đó.
Đối tượng tuyên truyền miệng ở cấp xã rất phong phú, tùy từng đối tượng mà tuyên truyền viên cần xác định cho được mục đích yêu cầu, nội dung trọng tâm, phương pháp trình bày cho phù hợp với từng đối tượng, cụ thể như sau:
+ Với đối tượng là cán bộ công chức cấp xã: báo cáo viên cần phải sử dụng phương pháp suy diễn, phân tích cụ thể về thực tiễn rồi sau đó khái quát thành những đánh giá, lý luận. Người nói cần làm rõ quyền hạn và trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, cán bộ nhà nước; các hình thức vi phạm và mức độ xử lý, thẩm quyền xử lý; tổ chức thi hành văn bản...
+ Với đối tượng là cán bộ tuyên truyền: Có thể dùng phương pháp suy diễn, phân tích cụ thể về thực tiễn rồi sau đó khái quát thành đánh giá, lý luận. Báo cáo viên cần tập trung nhấn mạnh những nội dung phục vụ cho công tác tuyên truyền của cán bộ tuyên truyền như: bản chất ý nghĩa pháp lý của vấn đề; sự cần thiết, mục đích của việc ban hành văn bản, những số liệu tài liệu cần viện dẫn, đối chiếu so sánh; các vấn đề cần tập trung phổ biến tuyên truyền. Vì cán bộ ở cấp xã là tuyên truyền viên, hoà giải viên, những người làm công việc bán chuyên trách và phần đông chưa được đào tạo chuyên môn pháp lý, nên báo cáo viên cần trình bày sao cho dễ hiểu, dễ nhớ.
+ Với đối tượng là nhân dân: sử dụng phương pháp diễn giải, phân tích là phù hợp. Cần nêu bản chất ý nghĩa vấn đề, sự cần thiết phải ban hành văn bản, ý nghĩa của các quy phạm và những vấn đề thiết thực liên quan đến từng đối tượng thi hành trong văn bản. Báo cáo viên cần đi sâu phân tích quyền, nghĩa vụ của các chủ thể trong quan hệ xã hội được văn bản điều chỉnh, trình tự, thủ tục thực hiện quyền khiếu nại, khởi kiện, thời hiệu khiếu nại, khởi kiện...
Ba là, phần kết luận: Ở phần này, tuyên truyền viên cần điểm lại và tóm tắt những nội dung cơ bản đã trình bày; những vấn đề mấu chốt và cần lưu ý đối với người nghe. Ngoài ra, tuyên truyền viên cũng có thể dành thời gian cần thiết trả lời các câu hỏi mà người nghe đang quan tâm hoặc chưa hiểu rõ để làm sáng tỏ vấn đề; giải đáp những tình huống thực tiễn mà người nghe gặp phải. Thông qua hoạt động này, tuyên truyền viên có thể đánh giá được mức độ hiểu bài của người nghe và hiệu quả của buổi tuyên truyền đồng thời người tuyên truyền cũng có điều kiện trao đổi, hiểu rõ hơn về đối tượng tuyên truyền để từ đó rút ra những kinh nghiệm cho những lần tuyên truyền sau./.
                                                                                                                               Trần Đình Trữ
Trưởng phòng Pháp chế
Thanh tra thành phố Hồ Chí Minh
 
 
 

Số lượt người xem: 13817    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Tìm kiếm