SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
3
2
4
1
3
0
7
Tin tức sự kiện 10 Tháng Chín 2012 10:25:00 SA

(TTTP) Đề cương giới thiệu Luật Giao thông đường bộ (Phần 1)

 

Luật Giao thông đường bộ được Quốc hội khóa XII nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 13 tháng 11 năm 2008, tại kỳ họp thứ 4; và được Chủ tịch nước ký lệnh công bố ngày 28 tháng 11 năm 2008. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2009. Luật này được ban hành thay thế Luật Giao thông đường bộ ngày 29 tháng 6 năm 2001.

Phòng Pháp chế phối hợp với Chi hội luật gia Thanh tra thành phố giới thiệu một số nội dung cơ bản của Luật như sau:

I. TÌNH HÌNH THỰC HIỆN LUẬT GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ NĂM 2001 VÀ SỰ CẦN THIẾT SỬA ĐỔI LUẬT

          Luật Giao thông đường bộ được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa X, kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 29/6/2001, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2002 (gọi chung là Luật năm 2001). Đây là Luật đầu tiên về giao thông đường bộ, được đúc kết sau một quá trình thực hiện các Pháp lệnh, Nghị định và các văn bản quy phạm pháp luật về giao thông đường bộ và các lĩnh vực có liên quan.         

Luật Giao thông đường bộ có tính xã hội sâu rộng, tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của đất nước. Vì vậy, ngay sau khi Luật có hiệu lực, Chính phủ và các Bộ, ngành đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật để hướng dẫn thực hiện. Với nỗ lực chung của các cấp, các ngành và toàn xã hội, việc thực hiện Luật năm 2001 đã đạt được nhiều kết quả tốt, cụ thể:

- Tạo được hành lang pháp lý để điều chỉnh hoạt động giao thông vận tải đường bộ:

Sau khi Luật năm 2001 được thông qua, Bộ Giao thông vận tải và các Bộ, ngành liên quan đã tập trung chỉ đạo xây dựng và trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản hướng dẫn thực hiện. Luật năm 2001 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật đã điều chỉnh tương đối toàn diện các lĩnh vực liên quan đến hoạt động giao thông đường bộ, bao gồm: Quy tắc giao thông đường bộ; các điều kiện bảo đảm an toàn giao thông đường bộ của kết cấu hạ tầng, của phương tiện và người tham gia giao thông đường bộ; hoạt động vận tải đường bộ.

- Góp phần hình thành ý thức nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông, bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ và phòng ngừa ô nhiễm môi trường:

Việc ban hành kịp thời các văn bản hướng dẫn thực hiện cùng với công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về giao thông đường bộ được triển khai thực hiện thường xuyên, trên diện rộng với nhiều hình thức phong phú và đã đạt được một số kết quả nhất định; đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng vừa cấp bách vừa mang tính cơ bản lâu dài nhằm hình thành nếp sống văn minh, ý thức chấp hành pháp luật, tạo thói quen cho người tham gia giao thông đường bộ chấp hành đúng quy định của pháp luật.

- Góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành giao thông đường bộ và nền kinh tế đất nước:

Luật năm 2001 và các văn bản hướng dẫn thực hiện đã tạo cơ sở pháp lý cho công tác xây dựng, triển khai thực hiện chiến lược, quy hoạch phát triển giao thông đường bộ; tạo hành lang pháp lý để quản lý, thúc đẩy sự phát triển của ngành, góp phần quan trọng vào công cuộc phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh của đất nước. 

- Tạo lập được những điều kiện thuận lợi để ngành giao thông đường bộ Việt Nam chủ động tham gia vào hoạt động giao thông vận tải của các nước trong khu vực:  

Đến nay, Việt Nam đã tham gia một số cam kết quốc tế về công nhận giấy phép lái xe lẫn nhau; về vận chuyển người và hàng hóa qua lại biên giới giữa các nước trong khu vực. Trong quản lý phương tiện cũng đã áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn, bảo vệ môi trường quốc tế và trong thiết kế xây dựng cầu đường cũng đã áp dụng các tiêu chuẩn tiên tiến.

Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của đất nước, trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế và nhất là trong tình trạng trật tự an toàn giao thông đường bộ diễn biến ngày càng phức tạp, Luật năm 2001cần được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung kịp thời để góp phần giải quyết một số hạn chế sau đây:

- Với số lượng lớn văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật, bên cạnh đó còn tình trạng một số văn bản chậm được ban hành như quy định về tiêu chuẩn sức khoẻ, quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cho người tàn tật.... Chất lượng một số văn bản chưa cao, chưa sát thực tế nên phải sửa đổi, bổ sung nhiều lần như Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, Nghị định về điều kiện kinh doanh vận tải bằng ôtô gây khó khăn cho việc áp dụng, triển khai trên thực tế.

          - Trong xây dựng chiến lược, quy hoạch còn thiếu đồng bộ giữa phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ với quy hoạch phát triển đô thị, giữa kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ với kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Việc quy hoạch đô thị nói chung và quy hoạch giao thông đường bộ nói riêng thiếu ổn định và đồng bộ, không bố trí đủ quỹ đất cho xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, quản lý việc thực hiện quy hoạch chưa chặt chẽ.

- Tiến độ nhiều dự án xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ còn chậm cùng với tình trạng các khu vực dân cư, khu vực trụ sở cơ quan, tổ chức đan xen nhau làm tăng nhu cầu đi lại, gây khó khăn trong tổ chức vận tải và làm cho kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ vốn đã thiếu lại càng thiếu hơn; hệ quả tất yếu là ùn tắc giao thông ngày càng gia tăng nhất ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.

- Nhiều đoạn tuyến trên hệ thống quốc lộ khi vừa cải tạo nâng cấp hoặc xây dựng mới xong đã bị các địa phương tận dụng để quy hoạch, xây dựng các khu công nghiệp, khu dân cư, các trụ sở, cơ quan, tổ chức và dần dần thành đường đô thị.

- Thực hiện quy định về niên hạn sử dụng đối với ô tô tải, ô tô chở người, cơ quan đăng kiểm đã xác định số lượng phương tiện hết niên hạn sử dụng nhưng do sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước còn chưa thường xuyên và công tác tuần tra, kiểm soát còn hạn chế nên số phương tiện hết niên hạn sử dụng được giải bản, thu hồi biển số còn ít, nhiều phương tiện loại này đã tiếp tục được đưa về vùng sâu, vùng xa sử dụng.

- Công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe còn một số tồn tại như: Năng lực đội ngũ giáo viên dạy lái xe chưa đồng đều; tình trạng cắt xén nội dung, chương trình đào tạo khá phổ biến; sát hạch lái xe mô tô còn thủ công, phân tán, còn biểu hiện tùy tiện, nể nang, ở nhiều nơi chất lượng còn thấp; thậm chí còn một số tiêu cực xảy ra.

- Công tác quản lý, giáo dục lái xe chưa được chủ sử dụng lao động chú ý; chưa tổ chức phổ biến, cập nhật kiến thức mới thường xuyên, tuyên truyền pháp luật định kỳ cho lái xe, chưa bảo đảm điều kiện, thời gian làm việc, nghỉ ngơi, chăm sóc sức khỏe, các chế độ bảo hiểm cho lái xe theo quy định. Vì vậy tình trạng không ít lái xe coi thường kỷ cương pháp luật, nghiện hút ma túy, cá biệt có lái xe chống người thi hành công vụ.

- Công tác quản lý vận tải còn đơn giản, các doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải còn nhỏ lẻ, hoạt động kém hiệu quả, chưa chú trọng áp dụng hệ thống tiêu chuẩn quản lý chất lượng, đăng ký thương hiệu, cạnh tranh lành mạnh bằng chất lượng, giá cả và các ưu đãi khác. Hiện tượng chở quá tải, phóng nhanh, vượt ẩu còn nhiều. Trong hoạt động vận tải khách đường dài chưa có tổ chức trạm dừng nghỉ; công tác quản lý ở bến xe còn chưa tốt, chưa tạo thuận lợi và yên tâm cho lái xe và cho khách ra vào bến xe. Tình trạng lái xe không thực hiện quy định thời gian làm việc theo quy định của Luật Giao thông đường bộ còn khá phổ biến; nhiều chủ doanh nghiệp khoán trắng cho lái xe, yêu cầu lái xe tăng chuyến, tăng tải... gây ra tình trạng tranh giành khách, ép giá, chở quá tải, chạy quá tốc độ, vượt ẩu, gây mất an toàn giao thông.

- Do hạn chế về lực lượng, công tác tuần tra, kiểm soát của lực lượng Cảnh sát giao thông đường bộ chưa bao quát được toàn bộ địa bàn và tất cả thời gian trong ngày, vì vậy các hành vi vi phạm pháp luật giao thông như điều khiển xe không có giấy phép lái xe, chở quá tải, quá số người quy định, chở hàng cồng kềnh, đi không đúng phần đường ... còn diễn ra phổ biến. Các hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ không bị xử phạt hoặc xử phạt không đúng mức còn nhiều.

- Có sự không thống nhất trong tổ chức lực lượng Thanh tra đường bộ và thẩm quyền xử lý trong thời gian dài nên lực lượng Thanh tra đường bộ trong thời gian từ năm 2003 đến nay hoạt động hiệu quả thấp. Các Trạm kiểm tra tải trọng xe ngừng hoạt động để hiện đại hoá, củng cố lực lượng, nhưng chậm củng cố, hiện đại hóa nên các Trạm này chưa hoạt động được; hiện tượng xe vi phạm quá tải tăng. Luật năm 2001 quy định Thanh tra giao thông đường bộ chỉ được kiểm soát, xử lý vi phạm ở các điểm giao thông tĩnh trong khi các hành vi vi phạm nhất là vi phạm trong hoạt động vận tải lại "rất động" nên đã hạn chế vai trò, tác dụng của lực lượng này.

Cùng với sự phát triển của nền kinh tế và hệ thống pháp luật Việt Nam, trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế, để Luật Giao thông đường bộ phát huy tốt tác dụng, xây dựng được mạng lưới giao thông hiện đại, tổ chức giao thông hợp lý, nâng cao ý thức chấp hành luật của người tham gia giao thông, bảo đảm giao thông đường bộ luôn an toàn và thông suốt, Luật giao thông đường bộ năm 2001 cần được sửa đổi, bổ sung kịp thời.

II. QUAN ĐIỂM VÀ NGUYÊN TẮC SỬA ĐỔI LUẬT

          Việc sửa đổi Luật Giao thông đường bộ năm 2001 có tác động nhất định đối với tiến trình phát triển, hội nhập kinh tế của đất nước. Vì vậy, ngoài việc quán triệt đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, việc sửa đổi Luật giao thông đường bộ năm 2001 được thực hiện theo nguyên tắc sau:

          1. Bảo đảm tính kế thừa nội dung điều chỉnh phù hợp của Luật; chỉ sửa đổi, bổ sung những nội dung chưa được điều chỉnh hay quy định chưa rõ không phù hợp hoặc còn thiếu; bãi bỏ những quy định không còn phù hợp với thực tiễn và xu thế phát triển, hội nhập của ngành giao thông vận tải.

2. Đáp ứng nhu cầu phát triển, hội nhập theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, góp phần đắc lực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

3. Bảo đảm tính phù hợp, thống nhất với Hiến pháp và các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành thuộc hệ thống pháp luật Việt Nam.

          4. Bảo đảm tuân thủ các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, đồng thời vận dụng quy định của các điều ước, tập quán quốc tế và luật nước ngoài phù hợp với nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam và xu thế, thực tiễn của hoạt động giao thông vận tải đường bộ trong nước.

Trần Đình Trữ

Trưởng phòng Pháp chế - Thanh tra thành phố HCM


Số lượt người xem: 4538    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Tìm kiếm