SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
3
3
5
3
7
0
5
Tin tức sự kiện 03 Tháng Chín 2013 10:05:00 SA

(TTTP) Đề cương giới thiệu Luật giám định tư pháp (Phần 1)

 

Luật Giám định tư pháp được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 20 tháng 6 năm 2012; Chủ tịch nước ký Lệnh công bố Luật Giám định tư pháp ngày 02 tháng 7 năm 2012,. Luật có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2013.

Phòng Pháp chế phối hợp với Chi hội Luật gia Thanh tra thành phố giới thiệu một số nội dung cơ bản của Luật như sau:

I. SỰ CẦN THIẾT BAN HÀNH LUẬT GIÁM ĐỊNH TƯ PHÁP

Giám định tư pháp là một loại hoạt động bổ trợ tư pháp, là công cụ quan trọng, phục vụ đắc lực cho hoạt động điều tra, truy tố và xét xử, góp phần quan trọng vào việc giải quyết các vụ án được chính xác, khách quan, đúng pháp luật. Ngày 29 tháng 9 năm 2004, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh Giám định tư pháp, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2005.

Sau 6 năm triển khai thi hành Pháp lệnh, công tác giám định tư pháp đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, thực tiễn triển khai thi hành Pháp lệnh cho thấy, công tác giám định tư pháp đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập, cần được khắc phục sớm. Đội ngũ người giám định tư pháp còn thiếu về số lượng và yếu về chất lượng. Kết luận giám định tư pháp trong một số trường hợp chưa thực sự chính xác, khách quan; tình trạng mâu thuẫn, xung đột giữa các kết luận giám định không giảm, gây khó khăn cho các cơ quan tiến hành tố tụng; nhiều vụ việc không lựa chọn được tổ chức, chuyên gia phù hợp để trưng cầu giám định hoặc tổ chức, cá nhân được trưng cầu từ chối thực hiện giám định, nhất là trong các lĩnh vực xây dựng, ngân hàng, tài chính, kế toán…, làm cho việc giải quyết một số vụ án, đặc biệt là một số vụ án tham nhũng lớn bị kéo dài. Những hạn chế, yếu kém của công tác giám định tư pháp trong một số lĩnh vực đang cản trở nhiều hoạt động tố tụng. Nhận thức của một số ngành, địa phương về vai trò, tầm quan trọng của hoạt động giám định tư pháp chưa đầy đủ, dẫn đến sự thiếu quan tâm, đầu tư cần thiết cho công tác này. Cơ sở vật chất, máy móc, thiết bị của các tổ chức giám định, nhất là ở cấp tỉnh đa phần còn thiếu thốn, lạc hậu.

Một trong những nguyên nhân quan trọng của những hạn chế, bất cập kể trên là thể chế về giám định tư pháp chưa hoàn thiện. Các quy định về tổ chức, hoạt động, quản lý nhà nước về giám định tư pháp chưa đầy đủ, cụ thể và chưa đồng bộ; một số quy định của Pháp lệnh như phạm vi hoạt động giám định tư pháp, quy định về mô hình tổ chức giám định tư pháp, nhất là mô hình tổ chức giám định pháp y, pháp y tâm thần… chưa đáp ứng yêu cầu của cải cách tư pháp, phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế trong giai đoạn mới; chủ trương xã hội hóa hoạt động giám định tư pháp còn thiếu các quy định cụ thể về điều kiện, giải pháp thực hiện; quy định về quản lý nhà nước còn sơ hở, lỏng lẻo, chưa làm rõ được cơ chế cộng đồng trách nhiệm của các Bộ, ngành chủ quản và cơ quan đầu mối quản lý nhà nước về giám định tư pháp; còn thiếu các quy định về trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc phối hợp với các Bộ, các ngành trong việc quản lý nhà nước về giám định tư pháp… dẫn đến việc thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước về giám định tư pháp rất thiếu thông tin, bị cắt khúc và kém hiệu quả.

Trước yêu cầu thực tiễn của công tác giám định tư pháp và để tiếp tục thể chế hoá quan điểm chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24 tháng 5 năm 2005 về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 và Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02 tháng 6 năm 2005 về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, tạo cơ sở pháp lý vững chắc nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám định tư pháp, đáp ứng tốt hơn yêu cầu ngày càng cao của hoạt động tố tụng và nhu cầu của xã hội, thì việc xây dựng, ban hành Luật Giám định tư pháp là rất cần thiết.

II. QUAN ĐIỂM CHỈ ĐẠO VIỆC XÂY DỰNG DỰ ÁN LUẬT

Luật Giám định tư pháp được xây dựng trên cơ sở 4 quan điểm chỉ đạo sau đây:

a. Thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về giám định tư pháp theo hướng:

- Nhà nước tập trung đầu tư cho một số lĩnh vực giám định để đáp ứng yêu cầu thường xuyên của hoạt động tố tụng;

- Sắp xếp, đổi mới hệ thống tổ chức pháp y, pháp y tâm thần;

- Thực hiện xã hội hoá đối với các lĩnh vực có nhu cầu giám định không lớn, không thường xuyên, tạo cơ sở pháp lý cho việc thành lập tổ chức giám định tư pháp ngoài công lập;

- Mở rộng phạm vi giám định tư pháp để tạo điều kiện cho các đương sự trong các vụ việc dân sự, vụ án hành chính chủ động thu thập chứng cứ chứng minh, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, góp phần thực thi có hiệu quả chủ trương mở rộng dân chủ, tăng cường tranh tụng tại phiên toà

b. Trên cơ sở tổng kết thực tiễn thi hành Pháp lệnh Giám định tư pháp, kế thừa, phát triển các quy định còn phù hợp của Pháp lệnh, nâng tầm các quy định có tính nguyên tắc trong các văn bản hướng dẫn thi hành của Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan thành quy định của Luật, đồng thời tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm của các nước, thông lệ quốc tế phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam.

c. Có chính sách tôn vinh và đãi ngộ để thu hút chuyên gia giỏi tham gia hoạt động giám định tư pháp, làm cơ sở cho việc xây dựng, kiện toàn đội ngũ giám định viên tư pháp, người làm giám định tư pháp có trình độ chuyên môn cao, có phẩm chất đạo đức nghề nghiệp, ngang tầm nhiệm vụ; quy định một số giải pháp nhằm tháo gỡ vướng mắc về thiếu người giám định, tổ chức chuyên môn làm giám định ở một số lĩnh vực giám định tư pháp.

d. Bảo đảm tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, bảo đảm nhu cầu, sự đáp ứng kịp thời và chất lượng của hoạt động giám định tư pháp trong thời kỳ phát triển mới của đất nước.

Trần Đình Trữ


Số lượt người xem: 4746    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Tìm kiếm