SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
3
3
3
2
5
6
2
Hoạt động chính trị đoàn thể 13 Tháng Mười 2016 2:30:00 CH

(TTTP) Bác Hồ và con đường cứu nước lịch sử cho dân tộc

 

 

Ở thập kỷ đầu của thế kỷ XX, phong trào cứu nước của nhân dân ta lâm vào tình cảnh khó khăn nhất. Các phong trào khởi nghĩa trong nước nổ ra đều thất bại. Lịch sử đặt ra nhu cầu bức thiết phải có một hệ tư tưởng mới, một đường lối mới đủ sức soi sáng, dẫn dắt con đường đấu tranh giải phóng dân tộc đi tới thắng lợi. Nhiệm vụ lịch sử đó đặt lên vai thế hệ người thanh niên Nguyễn Tất Thành.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình khoa bảng có truyền thống yêu nước, lại sớm tham gia và được chứng kiến sự thất bại của các cuộc đấu tranh của nhân dân ở nhiều nơi đã hình thành ở Nguyễn Tất Thành lòng yêu nước và căm thù giặc sâu sắc. Nhận thức được nguyên nhân thất bại của các phong trào đấu tranh, sớm ý thức và mong muốn đi tìm con đường cứu nước mới. Anh khâm phục các cụ Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, Phan Chu Trinh và Phan Bội Châu, nhưng không hoàn toàn tán thành cách làm của một người nào ”Tâm sự với một người bạn, Người nói: “Tôi muốn đi ra ngoài, xem nước Pháp và các nước khác. Sau khi xem xét họ làm như thế nào, tôi sẽ trở về giúp đồng bào chúng ta”

Vào buổi trưa ngày 5 tháng 6 năm 1911, từ Bến Nhà Rồng ngay nơi đây, người thanh niên Nguyễn Tất Thành trong công việc là người phụ bếp chính thức lên đường sang Pháp trên chiếc tàu buôn Đô đốc La tu sơ rê vin với hai bàn tay trắng và khát vọng cháy bỏng tìm "tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho tổ quốc tôi".

Cuộc hành trình gần mười năm đã đưa Nguyễn Tất Thành đến nhiều vùng đất thuộc châu Á, châu Âu, châu Phi, châu Mỹ... những chuyến đi đã giúp Người có cơ hội được quan sát, nhận biết sâu sắc diện mạo của thế giới tư bản chủ nghĩa, trong đó hiện lên rất rõ nét những đặc trưng cơ bản của sự phân hóa, đối nghịch giữa người giàu và người nghèo, giữa những người bị áp bức, bóc lột và những kẻ thống trị nắm quyền uy, giữa các dân tộc thuộc địa và phụ thuộc với một số ít dân tộc đế quốc xâm lược và thống trị. Đó cũng là quá trình Người học tập, tích lũy tri thức, nghiên cứu lý luận và đối chiếu lý luận với thực tế, tham gia hoạt động trong một số tổ chức chính trị - xã hội.

Tháng 7/1920, một sự kiện quan trọng trong hành trình tìm đường cứu nước của Hồ Chí Minh, đó là việc Người được đọc bản Bản sơ thảo lần thứ nhất Những luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa của Lênin. Người coi đây là cái cẩm nang giải phóng cho dân tộc Việt Nam. Người viết: “... Bản Luận cương đã làm cho tôi cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao! Tôi xúc động phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: “Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ, đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta”.

Và kể từ sau khi tiếp xúc với bản luận cương của Lênin, Nguyễn Ái Quốc đã hình thành nên quan điểm về giải phóng dân tộc: cách mạng giải phóng dân tộc ở Việt Nam muốn thắng lợi phải theo con đường cách mạng vô sản.

 

 

 

Lựa chọn giải phóng dân tộc theo con đường cách mạng vô sản, thực hiện mục tiêu giải phóng “dân tộc, giai cấp, con người”, đồng thời Hồ Chí Minh đã xác định một cách tổng quát lộ trình của cách mạng Việt Nam trải qua 3 giai đoạn: Giải phóng dân tộc, xây dựng chế độ dân chủ nhân dân và xây dựng chủ nghĩa xã hội (gắn độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội). Lộ trình đó đã được Người khái quát trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng: “nên chủ trương làm tư sản dân quyền và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”. Và trên thực tế cách mạng Việt Nam trong những thập kỷ qua đã vận động theo lộ trình này với nhiều thắng lợi vẻ vang đã chứng minh cho sự lựa chọn đúng đắn của Người.

Nguyện theo con đường của Bác đã chọn, lớp lớp thanh niên của Thành phố đã đứng lên đấu tranh giành tự do, độc lập cho dân tộc. Trong những thế hệ anh hùng ngày trước; đó là đồng chí Lý Tự Trọng với câu nói nổi tiếng: “Con đường của thanh niên chỉ có thể là con đường cách mạng và không thể là con đường nào khác” và chúng ta mãi mãi tự hào đồng chí Trần Văn Ơn - người đã vạch tội ác của chế độ Ngụy quyền và tạo tiếng vang lớn trong trong một cuộc biểu tình lớn của hơn 6000 học sinh-sinh viên và giáo viên các trường tại Sài Gòn vào những năm 1950. Mặc dù anh đã hi sinh nhưng hành động dũng cảm của anh đã hiệu ứng mạnh mẽ cho thế hệ thanh niên tiếp theo. Và còn rất nhiều rất nhiều thế hệ cha anh khác đã nối tiếp con đường cách mạng mà Bác Hồ đã lựa chọn, đóng góp to lớn vào sự nghiệp cách mạng của dân tộc; để cho ngày nay, thành phố Hồ Chí Minh - Thành phố anh hùng luôn tự hào mang tên Bác. Với vai trò là đầu tàu của cả nước, trung tâm kinh tế, văn hóa của cả nước, Thành phố đang ngày càng vươn lên mạnh mẽ. Thành phố đang khẳng định vị thế tại khu vực cũng như trên thế giới.

Học tập và làm theo lời Bác, tiếp nối truyền thống anh hùng của Thành phố, đoàn viên thanh niên Thanh tra thành phố ra sức rèn luyện phẩm chất đạo đức, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, nỗ lực học tập, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ,… và ra sức thi đua để “Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình; có vai trò động lực trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; sớm trở thành một trong những trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ của khu vực Đông Nam Á” như Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ X đã đề ra.

 

 

Đoàn viên thanh niên Thanh tra thành phố ra sức rèn luyện phẩm chất đạo đức, trình độ kiến thức để góp phần xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình

     DƯƠNG VĂN TÀI

(Bài phát biểu tại buổi sinh hoạt chi đoàn chủ điểm tháng 9-10/2016)

 


Số lượt người xem: 2010    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Tìm kiếm