SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
3
3
3
3
1
3
6
Phòng chống tham nhũng 28 Tháng Tư 2016 1:35:00 CH

(TTTP) Chưa có sự chuyển biến tương xứng về nội dung trong việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng

Cập nhật: 27/04/2016 03:25


(ThanhtraVietnam) - Luật phòng, chống tham nhũng được ban hành năm 2005 và đã qua hai lần sửa đổi, bổ sung vào năm 2007 và năm 2012. Qua đó, công tác phòng, chống tham nhũng đã có những bước tiến quan trọng. Các giải pháp phòng ngừa tham nhũng được quan tâm thực hiện đồng bộ, nhất là việc công khai, minh bạch hoạt động của bộ máy nhà nước, cải cách hành chính, quản lý, sử dụng tài sản công. Trên một số lĩnh vực, tham nhũng đã từng bước được kiềm chế. Những kết quả đạt được có ý nghĩa quan trọng để tiếp tục thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng đạt hiệu quả cao hơn trong thời gian tới.

 

 

Tuy nhiên, công tác phòng, chống tham nhũng vẫn chưa đạt yêu cầu và mục tiêu ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng. Tham nhũng vẫn còn nghiêm trọng, với những biểu hiện tinh vi, phức tạp, diễn ra ở nhiều lĩnh vực, nhiều cấp, nhiều ngành, nhất là trên lĩnh vực quản lý đất đai, tài nguyên, khoáng sản, đầu tư xây dựng, quản lý vốn, tài sản Nhà nước, tổ chức cán bộ, tín dụng, ngân hàng… gây bức xúc, bất bình trong xã hội; tiếp tục là thách thức lớn đối với sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước.

 

 

 

Ông Ngô Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng Cục Chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ

Theo ông Ngô Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng Cục Chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ, một số biện pháp phòng ngừa tham nhũng đã có sự chuyển biến tích cực về hình thức, nhưng chưa có sự chuyển biến tương xứng về nội dung do việc tổ chức, điều hành thời gian qua mới chủ yếu tập trung cho khâu triển khai thực hiện mà chưa chú trọng khâu thanh tra, kiểm tra, sơ kết, tổng kết để đánh giá thực chất và khắc phục hạn chế.

Cụ thể là yêu cầu về công khai minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị ngày càng cụ thể, chặt chẽ hơn nhưng việc thực thi vẫn chưa bảo đảm. Tình trạng bưng bít thông tin, thiếu công khai, dân chủ vẫn diễn ra, gây bức xúc ở nhiều nơi. Nhiều cơ quan, đơn vị các thiết chế dân chủ, giám sát bị vô hiệu hóa, dẫn đến tình trạng vi phạm kéo dài, sai phạm nghiêm trọng nhưng vẫn không bị phát hiện.

Bên cạnh đó, chế độ, định mức, tiêu chuẩn được rà soát, điều chỉnh, bổ sung thường xuyên hơn, mặc dù vậy vẫn còn nhiều nội dung chưa phù hợp với thực tế, nhất là chế độ lương, phụ cấp cho cán bộ, công chức, viên chức; định mức chi tiêu hành chính… còn thấp so với thực tế. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhũng nhiễu, vòi vĩnh, “tham nhũng vặt”, tình trạng phải “nói không thật, làm không thật” để giải quyết những vấn đề rất thực tế trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp, quy định về tặng quà, nhận quà đã được ban hành đầy đủ ở các cấp, các ngành nhưng tình trạng vi phạm còn khá phổ biến; nhiều cán bộ, công chức, viên chức chưa có sự quan tâm đúng mức đến việc thực hiện; cơ chế giám sát, kiểm tra, xử lý vi phạm nhiều nơi còn thiếu chặt chẽ, không nghiêm, chưa tạo được ý thức tuân thủ rộng rãi các quy tắc ứng xử trong hành xử của cán bộ, công chức, viên chức và hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Việc kê khai tài sản, thu nhập được kỳ vọng là biện pháp phòng ngừa tham nhũng hiệu quả nhưng thực tế thực hiện còn nhiều hạn chế, hiệu quả thấp. Việc xác minh để bảo đảm tính trung thực của việc kê khai còn ít, công khai chưa rộng rãi, chưa kiểm soát được tài sản, tiêu dùng người có chức vụ, quyền hạn.

Thêm nữa, vấn đề xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng đã có tác dụng đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, đồng thời có tác dụng răn đe nhất định, nhưng thực tế số người đứng đầu bị xử lý còn ít so với số vụ việc tham nhũng được phát hiện, xử lý mà trong đó có nguyên nhân là còn có sự nể nang, né tránh trong xử lý, quy định về phân cấp và quản lý cán bộ hiện nay chưa rõ ràng và thiếu hướng dẫn cụ thể; nhưng quan trọng hơn biện pháp này dễ đặt người đứng đầu vào tình trạng “xung đột lợi ích”. Nếu tích cực kiểm tra, phát hiện tham nhũng trong nội bộ, thì có thể phải đối mặt với việc bị xử lý trách nhiệm do để xảy ra tham nhũng hoặc ảnh hưởng đến uy tín của bản thân và đơn vị do để xảy ra tham nhũng…

Công tác cải cách hành chính tuy đã có những bước tiến quan trọng về cải cách thể chế, tổ chức bộ máy… nhưng thủ tục hành chính trên một số ngành, lĩnh vực vẫn còn rườm rà, gây cản trở đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống nhân dân; việc đơn giản hóa thủ tục hành chính theo 25 Nghị quyết chuyên đề của Chính phủ từ năm 2010 tới nay đạt tỷ lệ chưa cao; những phiền hà trong thủ tục hành chính tiếp tục là cơ hội, điều kiện làm nảy sinh tham nhũng, tiêu cực trong giao dịch giữa người dân, doanh nghiệp với các cơ quan nhà nước.

Ngoài ra, việc đổi mới công nghệ quản lý còn gặp nhiều khó khăn và chưa được thực hiện rộng rãi mặc dù trên một số lĩnh vực như thuế, hải quan, thủ tục hành chính đã có những tiến bộ nhất định. Phương thức thanh toán hạn chế dùng tiền mặt chưa phát huy được cụ thể tác dụng phòng ngừa tham nhũng; trả lương qua tài khoản cho người hưởng lương từ ngân sách nhà nước còn hình thức, chưa giúp kiểm soát được thu nhập, tiêu dùng của cán bộ, công chức, viên chức, người có chức vụ, quyền hạn./.

Tổng hợp

Theo thanhtravietnam.vn

 


Số lượt người xem: 2370    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Tìm kiếm