Nghị định 16 đã tiếp cận việc tính giá cung cấp dịch vụ công theo nguyên tắc thị trường. Các ĐVSN công được tự chủ tính toán các chi phí đầu vào, đầu ra, thu hồi chi phí để tái đầu tư, đảm bảo đời sống cho người lao động, tiết kiệm chi ngân sách Nhà nước (NSNN).

Nghị định 16 cũng yêu cầu các ĐVSN công phải đổi mới cơ chế hoạt động, cạnh tranh bình đẳng, nâng cao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm, thúc đẩy hoạt động theo hướng chất lượng, hiệu quả, nâng cao số lượng, đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ.

Tuy nhiên, khi triển khai thực hiện còn nhiều lúng túng, vướng mắc. Để Nghị định 16 đi vào thực tiễn, phát huy được những đột phá cho các ĐVSN công, cần nhìn nhận và phân tích một cách khách quan, khoa học. 

Theo Nghị định 16, ĐVSN công được tự chủ tài chính theo 4 loại: Đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư; đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên; đơn vị tự bảo đảm một phần chi thường xuyên và đơn vị được Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên. Trong đó, tự chủ chi đầu tư và chi thường xuyên, nguồn tài chính được giao tự chủ theo 2 mức độ, đó là tự chủ tài chính cao và tự chủ tài chính thấp.

Đồng thời, Nghị định 16 cũng quy định một số nội dung về chi tiền lương và thu nhập tăng thêm; về trích lập các quỹ, như quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp, quỹ bổ sung thu nhập, quỹ khen thưởng và quỹ phúc lợi; về tự chủ trong giao dịch tài chính; về vận dụng cơ chế tài chính như doanh nghiệp.

Hiện nay, Thanh tra Chính phủ có 6 ĐVSN là: Trường Cán bộ Thanh tra, Trung tâm Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ miền Trung - Tây Nguyên, Trung tâm Thông tin, Viện Khoa học Thanh tra, Báo Thanh tra và Tạp chí Thanh tra.

          Nghị định 16 quy định, trong khi chưa ban hành hoặc sửa đổi Nghị định quy định cơ chế tự chủ của ĐVSN công trong từng lĩnh vực cụ thể theo quy định tại Nghị định 16, các ĐVSN công theo từng lĩnh vực được tiếp tục thực hiện cơ chế tự chủ theo quy định tại Nghị định số 43/2006 ngày 25/4/2006 của Chính phủ. Để triển khai thực hiện đồng bộ các quy định, nhất là tự chủ về tài chính, các ĐVSN thuộc Thanh tra Chính phủ đã và đang cụ thể hóa các nội dung theo Nghị định 16 đều gặp một số hạn chế, thách thức. Cụ thể:

Thứ nhất, việc triển khai còn chậm chưa đạt tiến độ và lộ trình đặt ra, trong đó việc xây dựng các định mức kinh tế - kỹ thuật và tiêu chí, tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ sự nghiệp công cũng như cơ chế giám sát, đánh giá, kiểm định chất lượng dịch vụ, hiệu quả hoạt động của ĐVSN công.

Nguyên nhân là do Nghị định 16 là Nghị định khung, chỉ đưa ra những quy định chung làm căn cứ để xây dựng, ban hành các quy định chuyên ngành cho phù hợp với đặc thù hoạt động của từng lĩnh vực, bởi vậy, việc triển khai xây dựng quy định cơ chế tự chủ đối với từng lĩnh vực gặp nhiều khó khăn. Thanh tra Chính phủ chưa cụ thể hóa nội dung các quy định khung tại Nghị định 16, chưa làm rõ đặc thù hoạt động của ngành Thanh tra. Mặt khác, các ĐVSN chưa sẵn sàng cho việc thực hiện lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công với yêu cầu tính đủ chi phí trong giá. Hơn nữa, cũng cần có thời gian chuẩn bị tâm lý cho các ĐVSN nên thời điểm thực hiện điều chỉnh giá dịch vụ công chậm hơn tiến độ yêu cầu.

Thứ hai, ĐVSN thực hiện đổi mới cơ chế tự chủ đòi hỏi phải cung cấp được dịch vụ với yêu cầu cao hơn về chất lượng để đáp ứng được nhu cầu của xã hội và có thể cạnh tranh với các đơn vị cung ứng dịch vụ ngoài công lập nhưng điều kiện cơ sở vật chất, chưa đáp ứng được quy định về tiêu chuẩn định mức kinh tế, kỹ thuật... Điều này đòi hỏi các ĐVSN phải tăng cường đầu tư, đồng thời có chính sách ưu đãi thu hút nhân tài nhưng đây là bài toán khó vì các ĐVSN chưa được tự chủ “toàn diện”.

Thứ ba, về cơ chế giá dịch vụ, khi thực hiện chuyển dần từ cơ chế thu phí, học phí... sang áp dụng cơ chế giá dịch vụ đòi hỏi phải xây dựng, hoàn thiện hệ thống định mức kinh tế kỹ thuật, danh mục dịch vụ sự nghiệp công trong từng ngành, lĩnh vực làm cơ sở cho việc xác định giá dịch vụ sự nghiệp công. Vấn đề kết cấu lương vào giá cũng đòi hỏi phải có hướng dẫn cụ thể hơn, đặc biệt trong trường hợp xác định giá dịch vụ công dựa trên mức lương cơ sở, hệ số tiền lương, ngạch bậc, chức vụ đối với ĐVSN công và định mức lao động theo quy định. Hiện nay, việc tính định mức cho từng lĩnh vực khó xác định mức chung cho toàn ngành, hơn nữa việc xác định giá theo định mức chuẩn hay định thực tế vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể.

Thứ tư, về cơ chế tiền lương và thu nhập tăng thêm. Theo quy định, giá dịch vụ phải tính đúng, tính đủ các chi phí nhưng các ĐVSN vẫn phải dành một tỷ lệ % đáng kể số thu để lại để tạo nguồn cải cách tiền lương do vậy sẽ ảnh hưởng tới nguồn để chi trả thu nhập tăng thêm. Nghị định 16 quy định hệ số thu nhập tăng thêm của chức danh lãnh đạo ĐVSN tối đa không quá 2 lần hệ số thu nhập tăng thêm bình quân của người lao động trong đơn vị, như vậy chưa phản ánh đầy đủ và xứng đáng năng lực, vai trò, trách nhiệm của người lãnh đạo, không khuyến khích họ toàn tâm, toàn ý với công việc.

Thứ năm, việc tự chủ tài chính đối với các ĐVSN hiện nay, Nhà nước vẫn chưa có cơ chế hỗ trợ cụ thể được vay vốn ưu đãi (hoặc hỗ trợ lãi suất) để đầu tư tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác chuyên môn và nghiên cứu khoa học, chưa có quy định về điều kiện liên doanh, liên kết của ĐVSN và về xác định giá trị thương hiệu khi góp vốn liên doanh, liên kết.

Trên cơ sở phân tích một số khó khăn, vướng mắc khi triển khai, cụ thể hóa Nghị định 16, thiết nghĩ, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:

Một là, tiếp tục đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến và thống nhất nhận thức trong các cấp lãnh đạo, quản lý và người lao động trong các ĐVSN thuộc Thanh tra Chính phủ về những nội dung đổi mới của Nghị đinh 16. Đồng thời, sớm cụ thể hóa các quy định của Nghị định 16 vào từng ĐVSN.

Hai là, thống nhất nội dung hướng dẫn Nghị định 16 về danh mục các dịch vụ công sử dụng NSNN và phạm vi điều chỉnh của các văn bản này. Theo đó, cần thống nhất nhận định về danh mục các dịch vụ công sử dụng NSNN là những dịch vụ công tiếp tục được NSNN hỗ trợ. Danh mục này cần có phạm vi áp dụng thống nhất đối với ngành Thanh tra. Danh mục các dịch vụ công sử dụng NSNN của ngành cần phải được rà soát trên nguyên tắc từng bước tiến tới xóa bỏ sự bao cấp của NSNN qua giá cung cấp dịch vụ công.

Ba là, khi triển khai Nghị định 16 đối với ĐVSN công có tính năng động, có khả năng tự chủ cao, nhưng đang bị trói buộc bởi cơ chế tài chính cũ thì đây là động lực mới, với những cơ chế cởi trói. Đối với ĐVSN công thiếu tính năng động, hoặc hoạt động ở các khu vực không thuận lợi, còn phụ thuộc vào nguồn NSNN khi thực hiện cơ chế tự chủ theo Nghị định 16 sẽ “câu giờ”, không hào hứng do vậy phải nắm rõ khi xây dựng kế hoạch và lộ trình chuyển đổi. Việc triển khai Nghị định 16 cũng là cơ hội để tái cơ cấu, sắp xếp, thay đổi phương thức hỗ trợ của NSNN, chuyển từ hỗ trợ bình quân sang gắn với yêu cầu và kết quả sử dụng NSNN. Vì vậy, cần kiên quyết và bắt buộc thực hiện chuyển đổi đối với tất cả các ĐVSN công thuộc Thanh tra Chính phủ.

Bốn là, để các ĐVSN thuộc Thanh tra Chính phủ có căn cứ thực hiện đúng các quy định pháp luật trong giai đoạn chuyển đổi cơ chế quản lý, các bộ, ngành chức năng và Thanh tra Chính phủ cần quan tâm, hướng dẫn, chỉ đạo sát sao, thực hiện đúng lộ trình./.

Ths. Lê Ngọc Thiều

Trưởng phòng Quản trị - Tài vụ

Trường Cán bộ Thanh tra