SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
3
3
3
5
1
3
1
Hoạt động ngành 31 Tháng Tám 2020 4:05:00 CH

Ngày pháp luật tháng 9/2020

         

       Ngày 31 tháng 8 năm 2020, tại buổi sinh hoạt Ngày pháp luật tháng 09, Thanh tra Thành phố đã phổ biến một số quy định của Thông tư số 3/2020/TT-BNV ngày 21 tháng 7 năm 2020 của Bộ Nội vụ quy định chi tiết về thẩm quyền, trình tự, thủ tục, biện pháp bảo vệ vị trí công tác của người tố cáo là cán bộ, công chức, viên chức và Nghị định số 62/2020/NĐ-CP ngày 01 tháng 6 năm 2020 của Chính phủ về vị trí việc làm và biên chế công chức. Cụ thể:

I. Thông tư số 3/2020/TT-BNV ngày 21 tháng 7 năm 2020 của Bộ Nội vụ quy định chi tiết về thẩm quyền, trình tự, thủ tục, biện pháp bảo vệ vị trí công tác của người tố cáo là cán bộ, công chức, viên chức (có hiệu lực thi hành từ ngày 05 tháng 9 năm 2020)

1. Phạm vi điều chỉnh

Quy định chi tiết về thẩm quyền, trình tự, thủ tục, biện pháp bảo vệ vị trí công tác của người tố cáo là cán bộ, công chức, viên chức.

2. Đối tượng áp dụng

- Người tố cáo là cán bộ, công chức, viên chức.

- Cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan đến việc tố cáo, giải quyết tố cáo.

- Cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có trách nhiệm thực hiện các biện pháp bảo vệ người tố cáo.

3. Nội dung bảo vệ vị trí công tác

Bảo vệ vị trí công tác của người tố cáo là cán bộ, công chức, viên chức là việc bảo vệ công việc gắn với chức danh, chức vụ, vị trí việc làm của cán bộ, công chức; công việc hoặc nhiệm vụ gắn với chức danh nghề nghiệp hoặc chức vụ quản lý của viên chức trong quá trình giải quyết tố cáo.

4. Thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ

- Người có thẩm quyền giải quyết tố cáo áp dụng biện pháp bảo vệ vị trí công tác của người tố cáo là cán bộ, công chức, viên chức thuộc quyền quản lý.

- Cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân được người có thẩm quyền giải quyết tố cáo yêu cầu hoặc đề nghị thực hiện biện pháp bảo vệ vị trí công tác của người tố cáo là cán bộ, công chức, viên chức trong trường hợp người tố cáo đó không thuộc thẩm quyền quản lý của người có thẩm quyền giải quyết tố cáo.

- Tổ chức, đơn vị làm công tác tổ chức của cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện biện pháp bảo vệ vị trí công tác có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với tổ chức công đoàn, ban thanh tra nhân dân và các tổ chức khác cùng cấp trong việc thực hiện bảo vệ vị trí công tác của người tố cáo là cán bộ, công chức, viên chức.

5. Trình tự, thủ tục bảo vệ

Thực hiện theo quy định tại Mục 2 Chương VI Luật Tố cáo năm 2018.

6. Biện pháp bảo vệ

- Biện pháp bảo vệ vị trí công tác của người tố cáo là cán bộ, công chức, viên chức thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 57 Luật Tố cáo năm 2018.

- Không thực hiện việc điều động, luân chuyển, biệt phái, chuyển đổi vị trí việc làm, phân công công việc khác đối với người tố cáo là cán bộ, công chức, viên chức trong thời gian được bảo vệ, trừ các trường hợp sau:

+ Thực hiện việc định kỳ chuyển đổi vị trí công tác theo quy định tại Chương V Nghị định số 59/2019/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng;

+ Được sự đồng ý của người tố cáo là cán bộ, công chức, viên chức;

+ Theo yêu cầu bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền giải quyết tố cáo.

- Không xử lý kỷ luật người tố cáo là cán bộ, công chức, viên chức trong thời gian được bảo vệ, trừ trường hợp người đó có hành vi vi phạm không liên quan đến lĩnh vực tố cáo.

II. Nghị định số 62/2020/NĐ-CP ngày 01 tháng 6 năm 2020 của Chính phủ về vị trí việc làm và biên chế công chức (có hiệu lực thi hành từ ngày 20 tháng 7 năm 2020)

           1. Căn cứ xác định vị trí việc làm

Vị trí việc làm được xác định căn cứ vào:

- Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của cơ quan, tổ chức;

- Mức độ phức tạp, tính chất, đặc điểm, quy mô hoạt động; phạm vi, đối tượng phục vụ; quy trình quản lý chuyên môn, nghiệp vụ theo quy định của pháp luật chuyên ngành.

        2. Phân loại vị trí việc làm

Vị trí việc làm được phân loại theo 02 cách:

-  Theo khối lượng công việc (vị trí việc làm do một người đảm nhiệm; nhiều người đảm nhiệm hoặc kiêm nhiệm).

- Theo tính chất, nội dung công việc (Lãnh đạo, quản lý; Nghiệp vụ chuyên ngành; Nghiệp vụ chuyên môn dùng chung; hỗ trợ, phục vụ).

3. Điều chỉnh vị trí việc làm

Việc điều chỉnh vị trí việc làm trong cơ quan, tổ chức được thực hiện trong các trường hợp sau:

- Cơ quan, tổ chức có sự thay đổi một trong các căn cứ xác định vị trí việc làm.

- Cơ quan, tổ chức được tổ chức lại theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.

          4. Căn cứ xác định biên chế công chức

Biên chế công chức được xác định dựa vào:

- Vị trí việc làm và khối lượng công việc của từng vị trí việc làm;

- Mức độ hiện đại hóa về trang thiết bị, phương tiện làm việc và ứng dụng công nghệ thông tin;

- Thực tế việc sử dụng biên chế công chức được giao;

- Đối với cơ quan, tổ chức ở địa phương, ngoài các căn cứ nêu trên còn phải căn cứ vào quy mô dân số, diện tích tự nhiên, số lượng đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và đặc điểm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

         5. Điều chỉnh biên chế công chức

Việc điều chỉnh biên chế công chức trong cơ quan, tổ chức được xem xét trong các trường hợp:

- Cơ quan, tổ chức có sự thay đổi một trong các căn cứ xác định biên chế công chức.

- Thành lập, tổ chức lại, giải thể cơ quan, tổ chức, đơn vị theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.

          - Thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp huyện.


Số lượt người xem: 1671    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Tìm kiếm