SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
3
3
3
0
7
7
0
Phòng chống tham nhũng 17 Tháng Chín 2010 2:35:00 CH

Một số nội dung cơ bản của Luật phòng, chống tham nhũng (Phần IV)

Câu 30: Trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức khi không báo cáo hoặc không xử lý báo cáo về dấu hiệu tham nhũng được quyết định như thế nào?

        Cán bộ, công chức, viên chức biết được hành vi tham nhũng mà không báo cáo, người nhận được báo cáo về dấu hiệu tham nhũng mà không bị xử lý thì phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.    

 

Câu 31: Việc tặng quà và nhận quà của cán bộ, công chức, viên chức được qui định như thế nào?

          1. Cơ quan, tổ chức, đơn vị không được sử dụng ngân sách, tài sản của Nhà nước làm quà tặng, trừ trường hợp pháp luật có qui định khác.

          2. Cơ quan, tổ chức, đơn vị không được nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân liên quan dến công việc do mình giải quyết hoặc thuộc phạm vi quản lý của mình.

          3. Nghiêm cấm lợi dụng việc tặng quà, nhận quà tặng để hối lộ hoặc thực hiện các hành vi khác vì vụ lợi.

          4. Chính phủ qui định chi tiết về việc tặng quà, nhận quà tặng và nộp lại quà tặng của cán bộ, công chức, viên chức.

        

Câu 32: Cấp nào có thẩm quyền ban hành quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức?

          1. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước ban hành qui tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong cơ quan, ngành lĩnh vực do mình quản lý.

          2. Chánh toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành qui tắc ứng xử của Thẩm phán, Hội thẩm, Thư ký Toà án, Kiểm sát viên và cán bộ, công chức, viên chức khác trong cơ quan Toà án, Viện kiểm sát.

          3. Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành qui tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong bộ máy chính quyền địa phương; phối hợp với cơ quan TW của tổ chức chính trị - xã hội ban hành qui tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức trong tổ chức này.

       

Câu 33: Quy tắc đạo đức nghề nghiệp được qui định như thế nào?

        1. Qui tắc đạo đức nghề nghiệp là chuẩn mực xử sự phù hợp với đặc thù của từng nghề bảo đảm sự liêm chính, trung thực và trách nhiệm trong việc hành nghề.

        2. Tổ chức xã hội - nghề nghiệp phối hợp với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành quy tắc đạo đức nghề nghiệp đối với hội viên của mình theo qui định của pháp luật.

       

Câu 34: Việc chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức, viên chức nhằm chủ động phòng ngừa tham nhũng được tiến hành như thế nào?

        1. Cơ quan, tổ chức, đơn vị theo thẩm quyền quản lý có trách nhiệm thực hiện việc định kỳ chuyển đổi cán bộ, công chức, viên chức làm việc tại một số vị trí liên quan đến việc quản lý ngân sách, tài sản của Nhà nước, trực tiếp tiếp xúc và giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân nhằm chủ động phòng ngừa tham nhũng.

        2. Việc chuyển đổi vị trí công tác phải theo kế hoạch và được công khai trong nội bộ cơ quan, tổ chức, đơn vị.

        3. Việc chuyển đổi vị trí công tác qui định tại điểm 2 trên chỉ áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức không giữ chức vụ quản lý. Việc luân chuyển cán bộ, công chức giữ chức vụ quản lý thực hiện theo qui định về luân chuyển cán bộ.

        4. Chính phủ ban hành danh mục các vị trí công tác và thời hạn định kỳ chu chuyển đổi qui định tại điểm 1 trên.

       

Câu 35: Đối tượng nào phải kê khai tài sản? Tài sản phải kê khai gồm những gi? Thủ tục kê khai tài sản được tiến hành như thế nào?

        1. Những người sau đây phải kê khai tài sản:

        Cán bộ từ Phó trưởng phòng của Uỷ ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh trở lên  và tương đương trong cơ quan, tổ chức, đơn vị;

         Một số cán bộ, công chức tại xã, phường, thị trấn; người làm công tác quản lý ngân sách, tài sản của Nhà nước hoặc trực tiếp tiếp xúc và giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, cá nhân;

         Người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân.

        Chính phủ qui định cụ thể những người phải kê khai tài sản qui định tại điểm 1 này.

        Người có nghĩa vụ kê khai tài sản phải kê khai tài sản, mọi biến động về tài sản thuộc sở hữu của mình và tài sản thuộc sở hữu của vợ hoặc chồng và con chưa thành niên.

        Người có nghĩa vụ kê khai tài sản phải kê khai trung thực và chịu trách nhiệm về việc kê khai.

        2. Tài sản phải kê khai gồm:

        -  Nhà, quyền sử dụng đất;

        -  Kim khí quí, đá quý, tiền, giấy tờ có giá và các loại tài sản khác mà giá trị của mỗi loại từ năm mươi triệu đồng trở lên;

        - Tài sản, tài khoản ở nước ngoài;

        - Thu nhập phải chịu thuế theo qui định của pháp luật.

        3. Việc kê khai tài sản được thực hiện hàng năm tại cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi người có nghĩa vụ kê khai làm việc và được hoàn thành chậm nhất vào ngày 31 tháng 12

        Người có nghĩa vụ kê khai tài sản phải ghi rõ những thay đổi về tài sản so với lần kê khai trước đó.

        Bản kê khai tài sản được nộp cho cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền quản lý người có nghĩa vụ kê khai tài sản.

       

Câu 36: Việc xác minh tài sản thực hiện trong điều kiện nào?

        1. Việc xác định tài sản chỉ được thực hiện khi có quyết định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền quản lý người có nghĩa vụ kê khai tài sản.

        2. Việc xác minh tài sản được thực hiện trong các trường hợp sau đây:

        - Phục vụ cho việc bầu cử, bổ nhiệm, cách chức, miễn nhiệm, bãi nhiệm hoặc kỷ luật đối với người có nghĩa vụ kê khai tài sản khi xét thấy cần thiết;

        - Theo yêu cầu của Hội đồng bầu cử hoặc cơ quan, tổ chức có thẩm quyền;

        - Có hành vi tham nhũng.

        Câu 37: Thủ tục xác minh tài sản được tiến hành như thế nào?

        Trước khi ra quyết định xác minh tài sản, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền yêu cầu người có nghĩa vụ kê khai giải trình rõ việc kê khai. Việc giải trình phải được thực hiện trong thời hạn năm ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu giải trình.

        2. Cơ quan, tổ chức có thẩm quyền ra quyết định xác minh trong thời hạn năm ngày, kể từ ngày phát sinh căn cứ quyết định tại điểm 2 câu 36 trên.

        3. Cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân hữu quan có trách nhiệm cung cấp thông tin, tài liệu phục vụ cho việc xác minh khi có yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

        4. Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày quyết định xác minh, cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý người có nghĩa vụ kê khai tài sản tiến hành thẩm tra xác minh và phải ra kết luận về sự minh bạch trong kê khai tài sản.

        5. Thủ tục xác minh tài sản của người có tên trong danh sách ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân được thực hiện theo qui định tại điểm 1, 2, 3 và 4 trên. Thời hạn xác minh phải đáp ứng yêu cầu thời gian bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân.

       

Câu 38: Kết luận về sự minh bạch trong kê khai tài sản được qui định như thế nào? Kết luận đó được công khai tại địa điểm nào?

        1. Kết luận về sự minh bạch trong kê khai tài sản là kết luận về tính trung thực của việc kê khai tài sản.

        Kết luận về sự minh bạch trong kê khai tài sản phải được gửi cho các cơ quan, tổ chức yêu cầu xác minh và người có tài sản được xác minh.

        Cơ quan, tổ chức, đơn vị qui định tại điểm 4 câu 37 trên phải chịu trách nhiệm về tính khách quan, chính xác nội dung kết luận của mình.

        2. Khi có yêu cầu theo quyết định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền, bản kết luận về sự minh bạch trong kê khai tài sản được công khai tại các địa điểm sau đây:

        - Trong cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi người có nghĩa vụ kê khai tài sản làm việc khi người đó được bổ nhiệm, bầu, phê chuẩn;

        - Tại Hội nghị cử tri nơi công tác, nơi cư trú đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân;

        - Tại cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi người được đề nghị để Quốc hội, Hội đồng nhân dân hoặc đại biểu của tổ chức chính trị - xã hội bầu phê chuẩn.

        Kết luận về sự minh bạch trong kê khai tài sản của người bị khởi tố  về hành vi tham nhũng phải được công khai trong cơ quan, tổ chức, đơn vị người đó làm việc.

       

Câu 39: Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý người có nghĩa vụ kê khai tài sản được qui định như thế nào?

        Cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm quản lý và lưu giữ bản kê khai tài sản của người có nghĩa vụ kê khai do mình quản lý; tổ chức việc xác minh theo quyết định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền; kết luận về sự minh bạch trong kê khai tài sản và công khai kết luận đó theo quyết định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền trong các trường hợp qui định tại điểm 2 câu 38 trên.

       

Câu 40: Xử lý người kê khai tài sản không trung thực như thế nào?

        1. Người kê khai tài sản không trung thực bị xử lý kỷ luật theo qui định của pháp luật. Quyết định kỷ luật đối với người kê khai tài sản không trung thực phải được công khai trong cơ quan, tổ chức, đơn vị người đó làm việc.

        2. Người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân mà kê khai tài sản không trung thực thì bị xoá tên khỏi danh sách những người ứng cử; người được dự kiến bổ nhiệm, phê chuẩn mà kê khai tài sản không trung thực thì không được bổ nhiệm, phê chuẩn vào chức vụ đã dự kiến.

 


Số lượt người xem: 6493    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Tìm kiếm