SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
3
3
2
4
6
7
3
Giải quyết khiếu nại tố cáo 24 Tháng Mười 2016 10:05:00 SA

(TTTP) Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cần chủ động phối hợp cùng Thanh tra Chính phủ giải quyết KN,TC

 

Cập nhật: 21/10/2016 22:19

(Thanh tra) - Đây là một trong những yêu cầu của ông Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ - Tổ trưởng Tổ Công tác của Thủ tướng Chính phủ, tại buổi làm việc sáng 21/10/2016 với Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh về kết quả thực hiện kết luận, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trong đó có 11 vụ việc khiếu nại, tố cáo (KN, TC) của công dân, doanh nghiệp.

 

 

Tổ Công tác của Thủ tướng Chính phủ làm việc với Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh. Ảnh: NG

 

Định hướng buổi làm việc, ông Mai Tiến Dũng đã ghi nhận kết quả phát triển kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm 2016 của UBND TP Hồ Chí Minh; đồng thời, đề nghị Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong, cùng các thành viên Tổ Công tác, đại diện các sở, ngành, quận huyện phải đi sâu phân tích, đánh giá, đề xuất phương án giải quyết phù hợp đối với 8 nội dung được dư luận quan tâm, cũng như làm rõ nguyên nhân vì sao 13 nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao nhưng địa phương chưa hoàn thành. Từ kết quả đánh giá này, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh phải có cam kết thời điểm hoàn thành, cũng như phải kiến nghị phương án giải quyết phù hợp hiện trạng kinh tế - xã hội của các địa bàn cụ thể, đặc biệt là cần tập trung phối hợp với các bộ, ngành mà cụ thể là Thanh tra Chính phủ trong thực hiện kết luận, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với 11 vụ việc KN, TC của công dân, của doanh nghiệp. 

Ngoài ra, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cần chú ý đến phương án giải quyết các kiến nghị của doanh nghiệp nước ngoài liên quan đến một số dự án, công trình trên cơ sở bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các tổ chức, cá nhân.

Báo cáo về kết quả và tiến độ giải quyết 13 nhiệm vụ, trong đó có 11 vụ việc KN, TC đã có kết luận, có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, thay mặt lãnh đạo địa phương, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hồ Chí Minh Lê Thanh Liêm cho biết: Hiện tại, UBND TP Hồ Chí Minh đã có văn bản giao các sở, ngành, cũng như có báo cáo xin ý kiến các Bộ, ngành về đường hướng xử lý. Quan điểm của UBND TP Hồ Chí Minh là giải quyết đúng quy định pháp luật, đúng thẩm quyền trên cơ sở phối hợp chặt chẽ với các cục, vụ của Thanh tra Chính phủ.

Thông tin cụ thể về phương án giải quyết một số vụ việc KN, TC đông người, phức tạp, Chánh Thanh tra TP Hồ Chí Minh Nguyễn Long Tuyền cho rằng, trên cơ sở chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn nghiệp vụ của Thanh tra Chính phủ, các cơ quan chuyên môn của TP Hồ Chí Minh đã rà soát và chuẩn bị dự thảo tham mưu cho lãnh đạo địa phương bố trí thời gian thích hợp để tiếp công dân, giải quyết đúng pháp luật.

 

Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Đặng Công Huẩn đề nghị giải quyết đúng thẩm quyền, phù hợp quy định pháp luật, có thời điểm kết thúc cụ thể đối với KN của công dân. Ảnh: NG

 

Đi sâu phân tích về hiện trạng thực hiện công tác tiếp công dân, giải quyết KN, TC, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Đặng Công Huẩn khẳng định: Sau khi có kết luận về thanh tra trách nhiệm, lãnh đạo UBND TP Hồ Chí Minh đã từng bước chỉ đạo thực hiện nghiêm quy định về tiếp công dân định kỳ, đột xuất. Trong quá trình thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về giải quyết đúng thẩm quyền một số vụ việc KN, TC tại Dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Dự án Khu công nghệ cao, Dự án sân golf Sing Việt… Thanh tra Chính phủ đã chủ động phối hợp với UBND TP Hồ Chí Minh để thống nhất phương án xử lý trên cơ sở báo cáo xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ. 

Qua thực tiễn tại TP Hồ Chí Minh, đã cho thấy nhiều nhiệm vụ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tiếp công dân, giải quyết KN, TC, phòng, chống tham nhũng có lúc, có nơi vẫn chưa thực hiện nghiêm túc, còn một số vụ việc chưa được thực hiện đúng hạn, đúng thẩm quyền, chậm báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả giải quyết như vụ KN của ông Vũ Huy Hoàng (quận 2), KN của 6 hộ dân do ông Nguyễn Phi Thường làm đại diện về pháp lý liên quan đến bản đồ thu hồi đất tại Dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm, kết quả giải quyết KN tại Dự án sân golf Sing Việt, KN của công dân tại Dự án đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài thuộc địa bàn quận Tân Bình… Đây là những vấn đề cần được Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh chủ động giải quyết đúng thẩm quyền, phù hợp quy định pháp luật, có thời điểm kết thúc cụ thể.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Lê Mạnh Hà, lãnh đạo một số bộ, ngành cũng đề xuất Thường trực UBND TP Hồ Chí Minh phải bảo đảm tuân thủ nghiêm túc hơn nữa các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, thực hiện đúng thời điểm với chất lượng cao nhất đối với các nhiệm vụ của Chính phủ giao. Các cơ quan chuyên môn của UBND TP Hồ Chí Minh, Chủ tịch UBND các quận, huyện phải tuân thủ đúng quy định về tiếp công dân, tăng cường đối thoại đối với các vụ việc đông người, phức tạp với quan điểm giải quyết dứt điểm tại cơ sở. Đối với các nhiệm vụ khác liên quan đến 8 nội dung mà dư luận cũng như Thủ tướng Chính phủ quan tâm trong phát triển đô thị như ngập nước, ô nhiễm môi trường, tai nạn giao thông, an toàn vệ sinh thực phẩm… các thành viên Tổ Công tác cũng đề xuất một số cơ chế để bảo đảm thống nhất trong vận dụng quy định, vận dụng pháp luật để hạn chế những phát sinh, những tình huống phức tạp đối với một số dự án có vốn đầu tư nước ngoài để bảo đảm sự phát triển bền vững của TP Hồ Chí Minh.

Giải trình rõ hơn về một số vấn đề có liên quan đến quá trình thực hiện nhiệm vụ của Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong thời gian qua, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho rằng: Với đặc thù kinh tế - xã hội của địa phương, nên trong quá trình thực hiện phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị sẽ phải có những mô hình đột phá, cần được sự quan tâm giúp đỡ, hướng dẫn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành. Quan điểm của UBND TP Hồ Chí Minh là xây dựng địa phương đi đầu trong cả nước nên Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP Hồ Chí Minh sẵn sàng nhận mọi nhiệm vụ của Đảng, của Chính phủ giao nhưng cũng cần có cơ chế phù hợp về tài chính, chính sách, nhân sự... để hoàn thành tốt nhiệm vụ.

 

 Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong kiến nghị cần có cơ chế đặc thù để ngành Thanh tra có đủ nhân lực, thời gian thực hiện tốt việc rà soát, kiểm tra. Ảnh: NG

Nói rõ hơn về công tác giải quyết KN, TC, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong kiến nghị cần có cơ chế đặc thù để ngành Thanh tra có đủ nhân lực, thời gian thực hiện tốt việc rà soát, kiểm tra, kiến nghị phương án giải quyết KN về chính sách thu hồi, đền bù đất liên quan đến phát triển hạ tầng đô thị. Thực tế, ngành Thanh tra TP Hồ Chí Minh nếu so về biên chế với khối lượng công việc của một đô thị hơn 13 triệu dân, có tốc độ đô thị hóa quá nhanh như hiện nay thì có những thời điểm cán bộ, công chức cơ quan thanh tra các cấp quá tải, dẫn đến có một số nhiệm vụ chưa đáp ứng được thời hạn theo quy định khi có giai đoạn cao điểm có khối lượng đơn KN, TC tăng đột biến.

 

 

 Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Đặng Công Huẩn trao đổi với thành viên Tổ Công tác tại buổi làm việc về KN tại Dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm. Ảnh: NG

Kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đề nghị Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh tiếp tục chỉ đạo cơ quan chức năng tổng hợp báo cáo về tiến độ thực hiện các nhiệm vụ của Chính phủ giao, các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong đó làm rõ nguyên nhân, bài học kinh nghiệm, kiến nghị về cơ chế chính sách để bảo đảm kỷ cương hành chính, có đối chiếu với hiện trạng kinh tế - xã hội của địa phương. 

Đối với 11 vụ việc KN, TC của công dân, doanh nghiệp đã có ý kiến của Thủ tướng Chính phủ đồng ý với kết luận của các bộ, ngành nhưng đến nay chưa được giải quyết dứt điểm, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh phải chủ động phối hợp cùng Thanh tra Chính phủ thực hiện các bước đi tiếp theo để bảo đảm quyền lợi hợp pháp của các tổ chức, cá nhân có liên quan. Trong quá trình thực hiện phải bảo đảm công khai, minh bạch, đúng pháp luật để người dân hiểu, chấp hành, hạn chế tiếp khiếu, tiếp tố.  

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng lưu ý thực tiễn phát triển của TP Hồ Chí Minh với hàng loạt vấn đề phát sinh liên quan đến 8 nhóm nội dung được Thủ tướng Chính phủ quan tâm như an toàn vệ sinh thực phẩm, ô nhiễm môi trường, ngập nước, ùn tắc giao thông… là cơ sở để Trung ương điểu chỉnh cơ chế chính sách nhằm phát triển đồng bộ kinh tế - xã hội, với tinh thần chính quyền liêm chính, vì quyền lợi của nhân dân. Những vấn đề cấp bách như an toàn vệ sinh thực phẩm, cải tạo chung cư cũ, di dời nhà ven kênh rạch… cần được UBND TP Hồ Chí Minh lập đề án xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành nhằm tạo sự đồng thuận trong thực hiện. 

Trong quá trình triển khai các nhiệm vụ, chỉ đạo của Trung ương, ngoài những kết quả đã đạt được, UBND TP Hồ Chí Minh cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hành chính, đẩy mạnh trao đổi văn bản điện tử để tạo sự thông suốt trong thực hiện chức năng quản lý Nhà nước, hạn chế tâm lý muốn đóng dấu mật vào các văn bản không thuộc diện bảo mật, vì điều này trái với tinh thần Chính phủ minh bạch, kiến tạo.

          Ngọc Giang

 


Số lượt người xem: 2286    
Xem theo ngày Xem theo ngày
Tìm kiếm