SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
3
3
6
6
1
4
3
Tin tức sự kiện 06 Tháng Sáu 2011 2:40:00 CH

Dự thảo Luật Khiếu nại và Luật Tố cáo – Những vấn đề cần quan tâm

 

 

 

Quang cảnh buổi Hội thảo

 

Trong 2 ngày ( 2,3/6/2011 ) tại TP.Hồ Chí Minh, Thanh tra Chính phủ ( TTCP ) tổ chức hội thảo về dự thảo Luật khiếu nại ( KN ) và Luật tố cáo ( TC ), tham dự và chủ trì có Phó Tổng Thanh tra Lê Tiến Hào, lãnh đạo Vụ Pháp chế- TTCP, Cục III- TTCP, đại diện Thanh tra các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam.

Dự án Luật phải phù hợp với thực tiễn.

Theo Phó Tổng Thanh tra Lê Tiến Hào, thực hiện nhiệm vụ được giao soạn thảo Dự án Luật KN và Luật TC, trong quá trình soạn thảo, TTCP đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan xây dựng và hoàn thiện Luật KN, Luật TC để trình Chính phủ, trình Quốc hội. Tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XII đã thảo luận, cho ý kiến đối với DA Luật KN, Luật TC. Các đại biểu Quốc hội đều tán thành sự cần thiết phải ban hành Luật KN, Luật TC và nội dung điều chỉnh của dự thảo Luật, đóng góp ý kiến nhằm hoàn thiện dự thảo Luật. Trên cơ sở ý kiến của đại biểu Quốc hội, TTCP báo cáo một số nội dung lớn liên quan đến việc hoàn thiện DA Luật và tổ chức các cuộc hội thảo, xin ý kiến đóng góp của các đại biểu, trên cơ sở đó, TTCP phối hợp với Ủy ban Pháp luật Quốc hội, các cơ quan hữu quan tiếp thu, hoàn thiện DA Luật trình trình Quốc hội thông qua vào kỳ họp tháng 10 năm 2011. Phó Tổng Thanh tra nhấn mạnh: Mục tiêu của 2 DA Luật là tạo điều kiện thuận lợi nhất cho công dân thực hiện quyền KNTC, nâng cao trách nhiệm của chính quyền các cấp trong công tác giải quyết KNTC đồng thời phải đồng bộ với hệ thống pháp luật, phải phù hợp với thực tiễn, với sự vận động, phát triển của nền kinh tế đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế.

Mở rộng quyền khởi kiện của công dân.

Tại hội nghị, Ban soạn thảo đã đưa ra 8 nội dung cần tập trung cho ý kiến, cụ thể là: Thẩm quyền giải quyết KN, dự thảo Luật quy định Thủ trưởng cơ quan thuộc UBND cấp huyện, Thủ trưởng cơ quan thuộc Sở có thẩm quyền  giải quyết KN đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của mình, của cán bộ, công chức ( CBCC ) do mình trực tiếp quản lý. Chánh Thanh tra tỉnh Ninh Thuận cho rằng: Thủ trưởng cơ quan thuộc UBND cấp huyện và Thủ trưởng cơ quan thuộc Sở, theo đó, các cơ quan này chỉ là cơ quan tham mưu, không phải cơ quan quản lý và những người này không được ban hành quyết định hành chính. Do đó việc giải quyết KN đối với trường hợp này phải do Chủ tịch UBND huyện hoặc giám đốc Sở giải quyết mới phù hợp và đúng thẩm quyền. Phó Chánh Thanh tra tỉnh Đăk Lăk Nguyễn Như Cầu nêu lên một thực trạng: Trưởng phòng Đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch Đầu tư hoặc Trưởng ban bồi thường giải phóng mặt bằng cấp huyện cũng ban hành quyết định giải quyết KN là không thể chấp nhận, bởi lẽ, Trưởng phòng Đăng ký kinh doanh do Giám đốc Sở bổ nhiệm, vì vậy, không phù hợp về thẩm quyền và giám đốc Sở cũng không thể ủy quyền cho Trưởng phòng giải quyết KN !

Về trình tự, thủ tục KN và giải quyết KN, nhiều đại biểu thống nhất cao việc KN và giải quyết KN chỉ được thực hiện ở 2 cấp hành chính, trong đó, việc giải quyết KN lần 1 được thực hiện bởi người có quyết định hành chính, hành vi hành chính, với trình tự thủ tục ngắn gọn, nhanh chóng, lần 2 được thực hiện bởi thủ trưởng cấp trên trực tiếp của người có quyết định hành chính, hành vi hành chính. Cơ chế này buộc cơ quan hành chính, mà trước tiên là người có quyết định hành chính, hành vi hành chính phải có trách nhiệm đến cùng đối với hoạt động quản lý của mình, tránh việc né tránh, đùn đẩy việc giải quyết KN lên cơ quan cấp trên, đồng thời tạo điều kiện cho họ khắc phục, sửa chữa kịp thời sai sót nếu có. Hầu hết các đại biểu đều đánh giá cao tầm quan trọng của đối thoại trong quá trình giải quyết KN và kiến nghị việc đối thoại phải được tổ chức ở cả 2 cấp hành chính trong giải quyết KN. Nét mới trong dự thảo Luật KN là đảm bảo công dân có quyền được khởi kiện vụ án hành chính ở bất kỳ giai đoạn nào của quá trình giải quyết ở cơ quan hành chính.

Vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm, phát biểu tranh luận về khiếu nại đông người, ông Nguyễn Như Cầu, lập luận quy định trong dự thảo còn chung chung quá, cần phải xác định thế nào là đông người, bao nhiêu người thì được gọi là đông người, trong trường hợp nhiều nhiều KN về cùng một nội dung thì người tiếp nhận KN hướng dẫn từng người một viết đơn riêng để được giải quyết và quyết định cuối cùng cho từng trường hợp phải tách ra thành từng quyết định riêng lẻ. KN đông người là một thực tế đang phát sinh nhưng lại chưa có quy định của pháp luật để xử lý nên khi xảy ra đã gây không ít khó khăn, lúng túng cho quá trình xem xét, giải quyết. Nhiều đại biểu tán thành đưa KN đông người vào Luật còn trình tự, thủ tục do Chính phủ quy định.

Tố cáo bằng điện thoại, thư điện tử, fax.

Thực hiện công cuộc đổi mới, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, đất nước đã đạt được những thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực, bên cạnh đó cũng còn bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập, làm phát sinh tố cáo trong các lĩnh vực quản lý nhà nước, tố cáo CBCC trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ. Số vụ việc tố cáo tiếp tục gia tăng, tính chất gay gắt, phức tạp, có nhiều người tham gia. Chính vì vậy, việc xây dựng Luật TC là nhằm thể chế hóa chủ trương, quan điểm của Đảng về công tác giải quyết TC, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước. Về quyền tố cáo, các đại biểu đã đi sâu phân tích, tán thành với quy định người có quyền tố cáo là công dân và tổ chức, mặc dù Luật KNTC hiện hành không quy định chủ thể tố cáo là tổ chức nhưng có những trường hợp tổ chức vẫn đứng ra tố cáo. Khi tổ chức đứng ra tố cáo sẽ phát huy được sức mạnh tập thể, tố cáo có trọng lượng hơn để yêu cầu cơ quan, người có thẩm quyền phải giải quyết. Mặt khác đây cũng là những nguồn tin quan trọng để đấu tranh phòng, chống tham nhũng và các hành vi vi phạm pháp luật khác. Đối với trường hợp chủ thể tố cáo là tổ chức thì phải có người đại diện và chịu trách nhiệm về việc tố cáo. Dự thảo Luật quy định đa dạng các hình thức tố cáo để tạo điều kiện thuận lợi cho công dân trong thực hiện quyền tố cáo của mình, đó là  hình thức tố cáo trực tiếp, gửi đơn tố cáo hoặc bản ghi lời tố cáo, tố cáo bằng điện thoại, fax, thư điện tử…Đây là một nhu cầu cần thiết và phù hợp với sự phát triển của khoa học công nghệ. Các đại biểu đề nghị cần có quy định chặt chẽ, cụ thể về cơ chế điều tra, xác minh, trình tự thủ tục giải quyết đối với hình thức tố cáo này.

Bảo vệ người tố cáo.

Các đại biểu nhất trí cao với Dự thảo Luật TC, đã đưa ra nhiều điều quy định về việc bảo vệ người tố cáo và xem như là một hình thức vừa đảm bảo an toàn, vừa khuyến khích đối với những người tố cáo có trách nhiệm tố cáo có nội dung tốt, tích cực. Luật ghi nhận quyền được bảo vệ của người tố cáo, yêu cầu được bảo vệ của người tố cáo, trách nhiệm và biện pháp của các cơ quan nhà nước, nhất là cơ quan công an trong việc bảo vệ người tố cáo, việc xử lý người vi phạm quy định pháp luật về bảo vệ người tố cáo. Các ý kiến đề nghị phải quy định cụ thể về bảo vệ người tố cáo, nhân thân của người tố cáo, bảo vệ tính mạng, sức khỏe, uy tín danh dự, việc làm, chế độ, chính sách khen thưởng đối với người tố cáo…

Kết thúc 2 ngày hội thảo, Vụ trưởng Vụ Pháp chế- TTCP Đỗ Gia Thư, đánh giá cao các ý kiến quý báu, xác đáng, có cơ sở lý luận và thực tiễn của các đại biểu là lãnh đạo Thanh tra các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam. Từ đó giúp Ban soạn thảo cân nhắc, chỉnh lý, sửa chữa, bổ sung, sớm hoàn thiện 2 DA Luật KN, Luật TC để trình Quốc hội vào cuối năm 2011.

 

 

Minh Tâm

 


Số lượt người xem: 5745    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Tìm kiếm