SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
4
1
5
9
2
3
5
Cải cách hành chính 14 Tháng Năm 2021 1:40:00 CH

Sáng kiến “Một số tình huống và giải pháp trong việc xử lý và thụ lý giải quyết đơn khiếu nại tại Phòng Thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo số 3”

          Thanh tra Thành phố là cơ quan tham mưu cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố giải quyết khiếu nại thuộc thẩm quyền liên quan đến công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư tại các dự án trên địa bàn Thành phố. Trong đó, Phòng Thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo số 3 (Phòng 3) là một trong những Phòng thường xuyên thực hiện nhiệm vụ xử lý đơn và xác minh nội dung khiếu nại.

Quá trình thực hiện, Phòng 3 có gặp một số tình huống phát sinh trong thực tế mang tính đặc thù, cần phải vận dụng quy định pháp luật để xử lý, giải quyết. Nhằm phổ biến đến toàn thể cán bộ, công chức trong Phòng 3 để tạo sự thống nhất khi tham mưu, đề xuất xử lý, giải quyết các vụ việc tương tự và làm nguồn tham khảo cho các Phòng chuyên môn nghiệp vụ khác; nhóm tác giả thuộc Phòng 3 đã tổng hợp, chọn lọc và triển khai tại Phòng “một số tình huống và giải pháp trong việc xử lý và thụ lý giải quyết đơn khiếu nại tại Phòng 3”. Sau đây là một số tình huống cụ thể:

          1. Các tình huống xử lý đơn khiếu nại:

- Tình huống 1: Công dân khiếu nại Công văn trả lời của Ủy ban nhân dân huyện về không xem xét giải quyết khiếu nại yêu cầu cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

+ Đối tượng khiếu nại: Công văn của Ủy ban nhân dân huyện về trả lời đơn khiếu nại của công dân.

+ Nội dung khiếu nại: Công dân yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện giải quyết tranh chấp đất và đề nghị cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho công dân.

+ Cán bộ thụ lý thực hiện: Thực hiện mời tiếp xúc, làm việc với công dân và xác lập Biên bản làm việc với các nội dung cụ thể: xác định thông tin của người khiếu nại (họ tên, năm sinh, địa chỉ, nghề nghiệp, chữ ký trên đơn), xác định rõ đối tượng khiếu nại, nội dung khiếu nại, cơ sở, căn cứ khiếu nại và nội dung yêu cầu của người khiếu nại; thu thập tài liệu chứng cứ liên quan đến nội dung khiếu nại. Sau đó, mời làm việc với đại diện Ủy ban nhân dân huyện và Ủy ban nhân dân xã thuộc huyện liên quan đến các nội dung tại Công văn trả lời của Ủy ban nhân dân huyện.

+ Căn cứ quy định pháp luật: Điều 202, Điều 203 Luật Đất đai năm 2013, Thông tư số 07/2014/TT-TTCP ngày 31 tháng 10 năm 2014 của Thanh tra Chính phủ quy định quy trình xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, đơn kiến nghị, phản ánh.

+ Đề xuất xử lý: Tham mưu Lãnh đạo Thanh tra báo cáo, đề xuất Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố có Công văn trả lời công dân với nội dung: không thụ lý giải quyết khiếu nại và đề nghị công dân liên hệ Ủy ban nhân dân xã thực hiện theo quy trình hòa giải tranh chấp quyền sử dụng đất và thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai là Tòa án nhân dân theo quy định Luật Đất đai năm 2013 (do phần đất tranh chấp đã được cấp Giấy chứng nhận); chấm dứt nhận đơn khiếu nại của công dân đối với các nội dung tương tự. Đồng thời, kiến nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành Công văn giao Chủ tịch UBND huyện chỉ đạo Chủ tịch UBND xã thực hiện theo quy trình hòa giải việc tranh chấp quyền sử dụng đất theo quy định.

- Tình huống 2: Công dân (là cá nhân làm đơn và ký tên trên đơn, không đóng dấu Công ty) khiếu nại Công văn trả lời của Ủy ban nhân dân huyện về không thụ lý nội dung tố cáo.

+ Đối tượng khiếu nại: Công văn trả lời của Ủy ban nhân dân huyện về không thụ lý nội dung tố cáo.

+ Nội dung khiếu nại: Công dân yêu cầu hủy quyết định cưỡng chế công trình trái pháp luật, gây thiệt hại tài sản của Công ty ABC.

+ Cán bộ thụ lý thực hiện: Thực hiện mời tiếp xúc, làm việc với công dân và xác lập Biên bản làm việc với các nội dung cụ thể: xác định thông tin của người khiếu nại (họ tên, năm sinh, địa chỉ, nghề nghiệp, chữ ký trên đơn, người đại diện theo pháp luật của Công ty ABC), xác định rõ tư cách của Người khiếu nại, nội dung khiếu nại, cơ sở, căn cứ khiếu nại và nội dung yêu cầu của người khiếu nại; trong trường hợp người khiếu nại là Công ty ABC do bị ảnh hưởng thiệt hại tài sản của Công ty thì cán bộ thụ lý hồ sơ hướng dẫn làm lại đơn khiếu nại, đơn khiếu nại phải đóng dấu Công ty, người làm đơn và ký tên trên đơn phải là người đại diện theo pháp luật của Công ty; thu thập tài liệu chứng cứ liên quan đến nội dung khiếu nại. Sau đó, mời làm việc với đại diện Ủy ban nhân dân huyện để xác định và làm rõ các nội dung và căn cứ để Ủy ban nhân dân huyện ban hành Công văn trả lời không thụ lý giải quyết nội dung tố cáo của công dân.

+ Căn cứ quy định pháp luật: Thông tư số 07/2014/TT-TTCP ngày 31 tháng 10 năm 2014 của Thanh tra Chính phủ quy định quy trình xử lý đơn khiếu nại, đơn tố cáo, đơn kiến nghị, phản ánh; Luật Xây dựng và các quy định pháp luật về xây dựng; Quyết định số 07/2014/QĐ-UBND ngày 11 tháng 02 năm 2014 của Ủy ban nhân dân thành phố về ban hành Quy trình giải quyết khiếu nại trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.

+ Đề xuất xử lý: Trường hợp Công văn trả lời của UBND huyện là có cơ sở và đúng quy định thì tham mưu Lãnh đạo Thanh tra Thành phố báo cáo Chủ tịch UBND Thành phố ban hành Công văn trả lời Công ty ABC không thụ lý giải quyết khiếu nại và chấm dứt nhận đơn khiếu nại đối với các nội dung tương tự. Trường hợp các nội dung Công văn trả lời của UBND huyện căn cứ quy định pháp luật không đúng hoặc nội dung trả lời chưa đúng theo tài liệu hồ sơ thì tham mưu cho Lãnh đạo Thanh tra Thành phố báo cáo Chủ tịch UBND thành phố giao Chủ tịch UBND huyện thu hồi, hủy bỏ Công văn chưa đúng trên và xem xét thụ lý giải quyết khiếu nại của Công ty ABC.

- Tình huống 3: Công dân khiếu nại quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu của Giám đốc Sở liên quan kết quả đánh giá công chức năm.

+ Đối tượng khiếu nại: quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu của Giám đốc Sở liên quan kết quả đánh giá công chức năm.

 + Nội dung khiếu nại: Khiếu nại kết quả đánh giá công chức năm và yêu cầu nâng mức đánh giá, xếp loại công chức.

+ Cán bộ thụ lý thực hiện: Thực hiện mời tiếp xúc, làm việc với công dân và xác lập Biên bản làm việc với các nội dung cụ thể: xác định thông tin của người khiếu nại (họ tên, năm sinh, địa chỉ, nghề nghiệp, chữ ký trên đơn), nội dung khiếu nại, cơ sở, căn cứ khiếu nại và nội dung yêu cầu của người khiếu nại; thu thập tài liệu chứng cứ liên quan đến nội dung khiếu nại. Sau đó, mời làm việc với đại diện Sở để xác định, làm rõ các nội dung và xác định đối tượng khiếu nại; căn cứ để Giám đốc Sở thụ lý giải quyết nội dung khiếu nại và ban hành Quyết định số giải quyết khiếu nại lần đầu.

+ Căn cứ quy định pháp luật: Điều 2 Luật Khiếu nại năm 2011 (để làm rõ và xác định Đối tượng khiếu nại trong trường hợp khiếu nại Kết quả đánh giá cán bộ công chức cuối năm) và Quyết định số 07/2014/QĐ-UBND ngày 11 tháng 02 năm 2014 của Ủy ban nhân dân thành phố về ban hành Quy trình giải quyết khiếu nại trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh (để xác định cơ quan tham mưu giải quyết khiếu nại lần hai).

+ Đề xuất xử lý: Tham mưu Lãnh đạo Thanh tra Thành phố báo cáo kiến nghị Chủ tịch UBND thành phố ban hành Thông báo không thụ lý giải quyết khiếu nại vì Giám đốc Sở thụ lý giải quyết nội dung khiếu nại về kết quả đánh giá công chức năm là không thuộc đối tượng để thụ lý giải quyết khiếu nại.

- Tình huống 4: Công dân khiếu nại Kết luận giải quyết tố cáo Giám đốc Sở.

+ Đối tượng khiếu nại: Kết luận giải quyết tố cáo Giám đốc Sở.

+ Nội dung khiếu nại: Công dân (là người đã tố cáo) không đồng ý việc kết luận các nội dung tố cáo là sai.

+ Cán bộ thụ lý thực hiện: Thực hiện mời tiếp xúc, làm việc với công dân và xác lập Biên bản làm việc với các nội dung cụ thể: xác định thông tin của người khiếu nại (họ tên, năm sinh, địa chỉ, nghề nghiệp, chữ ký trên đơn), nội dung khiếu nại, cơ sở, căn cứ khiếu nại và nội dung yêu cầu của người khiếu nại; thu thập tài liệu chứng cứ liên quan đến nội dung khiếu nại; trong trường hợp này, cán bộ thụ lý hồ sơ cần trao đổi, giải thích các quy định pháp luật về tố cáo để yêu cầu Người khiếu nại làm đơn Tố cáo tiếp nếu không đồng ý Kết quả giải quyết tố cáo của Giám đốc Sở (không thực hiện khiếu nại đối với Kết luận giải quyết tố cáo của Giám đốc Sở). Sau đó, mời làm việc với đại diện Sở để xác định và làm rõ các nội dung giải quyết tố cáo và căn cứ quy định pháp luật để xem xét, kết luận các nội dung tố cáo và ban hành Kết luận nội dung tố cáo.

+ Căn cứ quy định pháp luật: Điều 37 Luật Tố cáo năm 2018, Thông tư số 07/2014/TT-TTCP ngày 31 tháng 10 năm 2014 của Thanh tra Chính phủ quy định quy trình xử lý đơn khiếu nại, đơn tố cáo, đơn kiến nghị, phản ánh.

+ Đề xuất xử lý: Trường hợp công dân nhận lại đơn khiếu nại và sau đó gửi đơn tố cáo tiếp, nếu có căn cứ và tài liệu chứng minh việc giải quyết tố cáo của Giám đốc Sở không đúng quy định, có vi phạm pháp luật nghiêm trọng, có dấu hiệu không khách quan thì tham mưu Lãnh đạo Thanh tra thành phố báo cáo, kiến nghị Chủ tịch UBND Thành phố xem xét thụ lý giải quyết lại vụ việc tố cáo. Trường hợp kết quả giải quyết tố cáo của Giám đốc Sở là đúng quy định pháp luật thì báo cáo, kiến nghị Chủ tịch UBND thành phố không giải quyết lại vụ việc tố cáo và dự thảo Công văn của Chủ tịch UBND Thành phố trả lời công dân về việc không giải quyết lại nội dung tố cáo, nêu rõ các lý do không giải quyết lại tố cáo.

- Tình huống 5: Công dân khiếu nại quyết định về cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính của Chủ tịch UBND xã.

+ Đối tượng khiếu nại: Quyết định về cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính của Chủ tịch UBND xã.

+ Nội dung khiếu nại: Yêu cầu hủy quyết định cưỡng chế và quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

+ Cán bộ thụ lý thực hiện: Thực hiện mời tiếp xúc, làm việc với công dân và xác lập Biên bản làm việc với các nội dung cụ thể: xác định thông tin của người khiếu nại (họ tên, năm sinh, địa chỉ, nghề nghiệp, chữ ký trên đơn), nội dung khiếu nại, cơ sở, căn cứ khiếu nại và nội dung yêu cầu của người khiếu nại; trong trường hợp này, cán bộ thụ lý hồ sơ cần trao đổi, giải thích các quy định pháp luật về khiếu nại, thẩm quyền giải quyết khiếu nại để hướng dẫn công dân nhận lại Đơn khiếu nại gửi đơn đến nơi có thẩm quyền xem xét giải quyết khiếu nại lần đầu là Chủ tịch UBND xã. Trong trường hợp người khiếu nại không đồng ý nhận lại đơn khiếu nại thì cán bộ thụ lý hồ sơ thực hiện các thủ tục chuyển đơn khiếu nại của công dân đến cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết theo quy định pháp luật.

+ Căn cứ quy định pháp luật: Thông tư số 07/2014/TT-TTCP ngày 31 tháng 10 năm 2014 của Thanh tra Chính phủ quy định quy trình xử lý đơn khiếu nại, đơn tố cáo, đơn kiến nghị, phản ánh; Luật Xây dựng và các quy định pháp luật về xây dựng; Quyết định số 07/2014/QĐ-UBND ngày 11 tháng 02 năm 2014 của Ủy ban nhân dân thành phố về ban hành Quy trình giải quyết khiếu nại trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.

+ Đề xuất xử lý: Trường hợp công dân không đồng ý nhận lại Đơn khiếu nại tại buổi tiếp dân, tham mưu Lãnh đạo Thanh tra Thành phố ban hành Văn bản chuyển đơn khiếu nại của công dân đến Chủ tịch UBND xã để xem xét giải quyết theo thẩm quyền và thông tin kết quả cho Thanh tra Thành phố.

2. Các tình huống thụ lý giải quyết khiếu nại:

- Tình huống 1: Khiếu nại Quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu của Chủ tịch UBND huyện liên quan đến việc bồi thường, hỗ trợ, tái định.

+ Đối tượng khiếu nại: Quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu của Chủ tịch UBND huyện.

+ Nội dung khiếu nại: yêu cầu được bồi thường phần đất bị ảnh hưởng thu hồi trong dự án theo đơn giá 15.000.000 đồng/m2.

+ Cán bộ thụ lý thực hiện: Thực hiện mời tiếp xúc, làm việc với công dân xác lập Biên bản làm việc với các nội dung cụ thể: nguồn gốc, quá trình sử dụng nhà đất, diện tích bị thu hồi, nội dung khiếu nại, cơ sở để khiếu nại, thu thập tài liệu. Sau đó, mời làm việc với đại diện UBND huyện để làm rõ việc giải quyết khiếu nại lần đầu, tiến hành xác minh và tham mưu dự thảo báo cáo để Lãnh đạo Thanh tra thành phố chủ trì đối thoại giải quyết khiếu nại lần hai.

+ Căn cứ quy định pháp luật: Căn cứ Khoản 2, Điều 5 Chương II quy định ban hành kèm theo Quyết định số 28/2018/QĐ-UBND ngày 09 tháng 8 năm 2018 của Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.

Căn cứ điểm b, Khoản 1, Điều 3 Quyết định số 51/2014/QĐ-UBND ngày 31 tháng 12 năm 2014 của Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành quy định về giá các loại đất trên địa bàn Thành phố.

Và theo Phương án, Chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của Dự án đã được Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện phê duyệt.

+ Đề xuất xử lý: Công nhận toàn bộ nội dung Quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu của Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện. Không công nhận nội dung khiếu nại yêu cầu bồi thường phần đất bị ảnh hưởng thu hồi trong dự án theo đơn giá 15.000.000 đồng/m2 của công dân.

- Tình huống 2: Khiếu nại Quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu của Chủ tịch UBND huyện liên quan đến việc bồi thường, hỗ trợ, tái định.

+ Đối tượng khiếu nại: Quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu của Chủ tịch UBND huyện liên quan đến việc bồi thường, hỗ trợ, tái định. 

+ Nội dung khiếu nại: yêu cầu được bồi thường phần đất bị ảnh hưởng thu hồi trong dự án theo loại đất ở.

+ Cán bộ thụ lý thực hiện: Thực hiện mời tiếp xúc, làm việc với công dân xác lập Biên bản làm việc với các nội dung cụ thể: nguồn gốc, quá trình sử dụng nhà đất, diện tích bị thu hồi, nội dung khiếu nại, cơ sở để khiếu nại, thu thập tài liệu. Sau đó, mời làm việc với đại diện UBND huyện để làm rõ việc giải quyết khiếu nại lần đầu, tiến hành xác minh và tham mưu dự thảo báo cáo để Lãnh đạo Thanh tra thành phố chủ trì đối thoại giải quyết khiếu nại lần hai.

+ Căn cứ quy định pháp luật: Căn cứ Khoản 4, Điều 7 Nghị định số 47/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.

Căn cứ Khoản 2, Điều 153 Luật Đất đai 2013 và điểm a, Khoản 7, Điều 11 Quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh ban hành kèm theo Quyết định số 28/2018/QĐ-UBND ngày 09 tháng 8 năm 2018 của Ủy ban nhân dân Thành phố.

+ Đề xuất xử lý: Công nhận toàn bộ nội dung Quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu của Chủ tịch UBND huyện. Không công nhận nội dung khiếu nại yêu cầu được bồi thường phần đất bị ảnh hưởng thu hồi trong dự án theo loại đất ở.

- Tình huống 3: Khiếu nại Quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu của Chủ tịch UBND huyện liên quan đến việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

+ Đối tượng khiếu nại: Quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu của Chủ tịch UBND huyện liên quan đến việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

+ Nội dung khiếu nại: yêu cầu được bồi thường phần đất bị ảnh hưởng thu hồi trong dự án theo một lần hạn mức đất ở diện tích 300m2.

+ Cán bộ thụ lý thực hiện: Thực hiện mời tiếp xúc, làm việc với công dân xác lập Biên bản làm việc với các nội dung cụ thể: nguồn gốc, quá trình sử dụng nhà đất, diện tích bị thu hồi, nội dung khiếu nại, cơ sở để khiếu nại, thu thập tài liệu. Sau đó, mời làm việc với đại diện UBND huyện để làm rõ việc giải quyết khiếu nại lần đầu, tiến hành xác minh và tham mưu dự thảo báo cáo để Lãnh đạo Thanh tra thành phố chủ trì đối thoại giải quyết khiếu nại lần hai.

Căn cứ quá trình sử dụng đất, thời điểm tạo lập nhà, kết quả đăng ký tên trong sổ địa chính qua các thời kỳ (từ Tài liệu 299/TTg, Tài liệu 02/CT-UB cho đến Bản đồ địa chính chính quy) trường hợp sử dụng đất của công dân từ trước năm 1975, có tên trong sổ địa chính qua từng thời kỳ; trong đó tuy công dân kê khai theo Chỉ thị 299/TTg diện tích 500m2 nhưng thời điểm này việc xác lập bản đồ còn theo phương pháp không ảnh, người dân tự kê khai là chính; trong khi theo kết quả đo đạc, có kiểm duyệt của cơ quan chức năng thì công dân sử dụng diện tích lên đến hơn 1.000m2, cùng chung thửa đất thổ tập trung, có cùng mục đích sử dụng là đất ở có vườn, ranh đất sử dụng ổn định, liên tục từ lúc bắt đầu sử dụng cho đến khi bị ảnh hưởng bởi Dự án nên việc UBND huyện xét cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo loại đất Vườn là chưa đúng thực tế đăng ký, sử dụng đất của công dân (không bao gồm phần diện tích 500m2 đất Thổ đã đăng ký theo Chỉ thị 299/TTg).

+ Đề xuất xử lý: Tham mưu cho Lãnh đạo Thanh tra Thành phố báo cáo kiến nghị Chủ tịch UBND Thành phố giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với UBND huyện xác định lại phần diện tích đất ở phải bồi thường cho công dân.

3. Kết quả áp dụng Sáng kiến:

Qua quá trình triển khai, quán triệt các tình huống nêu trên đến toàn thể cán bộ, công chức Phòng, công tác xử lý đơn và thụ lý giải quyết đơn khiếu nại đã đạt được kết quả khả quan, góp phần nâng cao hiệu quả tiếp công dân, xử lý đơn, giải quyết khiếu nại trong năm 2019 và năm 2020, cụ thể: đã tham mưu xử lý đơn khiếu nại đảm bảo đúng quy định, đúng thời hạn với tỷ lệ 100%; thụ lý giải quyết khiếu nại thuộc thẩm quyền đúng quy định 100%; qua quá trình xử lý đơn và giải quyết khiếu nại cũng có trường hợp rút khiếu nại (do cán bộ được giao nhiệm vụ tiếp xúc giải thích tận tình để người khiếu nại nhận thức đúng quy định, chính sách của Nhà nước).

Do các vụ việc khiếu nại ngày càng phát sinh nhiều tình huống phức tạp nên cần tiếp tục cập nhật thêm các tình huống tại các phòng để thống nhất việc áp dụng các hướng xử lý theo đúng quy định.


Số lượt người xem: 7112    
Xem theo ngày Xem theo ngày
Tìm kiếm