Chính quyền số (CQS) - Chính phủ số (CPS) cùng với kinh tế số, xã hội số là 3 cột trụ của công cuộc chuyển đổi số (CĐS) mà Việt Nam đang đẩy mạnh thực hiện trên toàn quốc.
Tăng tiện ích cho người dân
Việt Nam đã sớm ứng dụng công nghệ để tiến hành các giai đoạn phát triển chính quyền từ giấy tờ thủ công truyền thống lên tin học hóa để số hóa văn bản. Tiếp đó là xây dựng chính quyền điện tử, đưa các thủ tục và hoạt động của chính quyền lên nền trực tuyến.
Trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với yêu cầu CĐS toàn diện quốc gia, hoạt động quản lý và hành chính của nhà nước được nâng cấp và chuyển đổi thành CQS, nơi mọi giao dịch giữa người dân và chính quyền diễn ra trên môi trường số. Công ty cung cấp giải pháp công nghệ toàn cầu Unisys giải thích: "Chính phủ điện tử liên quan đến việc số hóa các thủ tục, tài liệu và dịch vụ, dùng giải pháp công nghệ để cải thiện quản trị. CPS sử dụng các công cụ được cung cấp để cải thiện việc quản lý và tổ chức các dịch vụ của chính phủ nhằm đáp ứng nhu cầu hiện tại của người dân. Cụ thể, CPS sử dụng cấu trúc và sự tiện lợi của công nghệ hiện đại để công dân truy cập và chia sẻ thông tin một cách thuận tiện với tất cả các cấp chính quyền.
Theo trang OECD iLibrary của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) gồm 37 nước thành viên, những nỗ lực ban đầu của Chính phủ điện tử nhằm đưa các quy trình và dịch vụ tương tự lên mạng, giảm sự phụ thuộc vào các thủ tục giấy tờ và thủ tục trực tiếp. Tuy nhiên, trong khi hợp lý hóa các thủ tục trong từng lĩnh vực riêng lẻ, kết quả tổng thể thường bị rời rạc và lấy Chính phủ làm trung tâm. Vì vậy, CPS ra đời nhằm thiết kế lại các quy trình và dịch vụ công để đáp ứng nhu cầu và tăng tiện ích cho người dân. Tại ngày CĐS quốc gia năm 2023 do Bộ Thông tin - Truyền thông (TT-TT) tổ chức vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh trong kế hoạch CĐS quốc gia với tầm nhìn đến năm 2030, Việt Nam sẽ trở thành quốc gia số, phát triển thịnh vượng, tiên phong ứng dụng các công nghệ mới và mô hình mới; đổi mới căn bản, toàn diện phương thức quản lý, điều hành của Chính phủ; sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp; lối sống, làm việc và học tập của người dân; phát triển môi trường số an toàn, nhân văn...
Theo báo cáo của cơ quan chức năng, trong thời gian qua, công tác CĐS quốc gia, đặc biệt dữ liệu số năm 2023, đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Đặc biệt như trong kết nối chia sẻ dữ liệu; khai thác dữ liệu phục vụ người dân, doanh nghiệp; phát triển hạ tầng dữ liệu số; số hóa dữ liệu. Hiện hệ thống thông tin của Chính phủ đã kết nối dữ liệu với 80 bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty nhà nước và đã chia sẻ dữ liệu thử nghiệm hằng ngày, hằng tháng từ các bộ, ngành cho 15 địa phương để phục vụ công tác chỉ đạo điều hành.
Cán bộ UBND phường 12, quận 10, TP HCM tiếp nhận hồ sơ trực tuyếnẢnh: Hoàng Triều
TP HCM: Ứng dụng nền tảng số liên thông
TP HCM trong thời gian qua đã khai thác các lợi thế của mình tích cực triển khai công cuộc CĐS toàn diện trên toàn thành phố. Đầu mối và trở thành nền tảng cho công cuộc CĐS này chính là CQS.
Kết quả của việc xây dựng CQS mà TP HCM đạt được đã được quốc tế ghi nhận tại Hội nghị Thượng đỉnh số ASOCIO Digital Summit 2023 của Tổ chức Công nghiệp Điện toán châu Á - châu Đại Dương diễn ra tại Seoul (Hàn Quốc) từ ngày 13 đến 15-11. TP HCM đã được trao Giải thưởng ASOCIO 2023 cho hạng mục CQS xuất sắc. Chia sẻ với báo chí sau khi TP HCM nhận được Giải thưởng ASOCIO 2023, ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở TT-TT TP HCM, nhấn mạnh nỗ lực của thành phố nhằm hướng đến mục tiêu thấu hiểu người dân hơn, từ đó cung cấp dịch vụ số và chăm sóc người dân tốt hơn.
Với đặc thù của một thành phố đầu tàu về kinh tế cả nước, mật độ dân đông và tốc độ đô thị hóa nhanh, đẩy mạnh CĐS là lời giải bắt buộc cho bài toán phát triển của TP HCM thời gian tới. Vì vậy, để quản lý và phục vụ cho công cuộc phát triển đó, công việc quản lý nhà nước cũng bắt buộc phải chuyển thành CQS. Theo Sở TT-TT TP HCM, để phục vụ cho CQS, TP HCM đã tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng viễn thông - internet mà hiện nay toàn bộ các xã, phường đều được phủ dịch vụ internet băng thông rộng và sóng di động 3G/4G. Thành phố đã ứng dụng nền tảng số liên thông để phục vụ người dân và doanh nghiệp, như xây dựng hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính công, tổng đài 1022 để tiếp nhận và giải đáp thông tin, hệ thống tổng đài khẩn cấp liên thông 113 - 114 - 115, cổng thông tin điện tử thành phố tích hợp hơn 100 trang thông tin thành viên. Về mặt điều hành quản lý, TP HCM cũng đã xây dựng hệ thống tổng hợp thông tin phục vụ công tác chỉ đạo và điều hành, hệ thống quản trị thực thi thành phố trên nền tảng số...
Một điều nổi bật là TP HCM sớm khai thác thế mạnh của mạng xã hội trong giao tiếp với người dân. Ông Lâm Đình Thắng cho biết: "Toàn bộ ý kiến, cảm xúc của người dân hằng ngày trên môi trường số được thành phố ghi nhận một cách nhanh chóng và kịp thời có giải pháp điều hành tốt hơn". Mô hình CQS của TP HCM được kỳ vọng sẽ trở thành một điển hình và hình mẫu cho các địa phương trên cả nước.
CQS Singapore thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
Theo dữ liệu do Chính phủ Singapore công bố hồi tháng 10-2023, nền kinh tế số của Singapore vào năm 2022 đạt tới 100 tỉ SGD (73 tỉ USD), tăng 83% trong 5 năm qua. Hỗ trợ cho sự tăng trưởng kinh tế số đó chính là CQS của Singapore. Cách tiếp cận CPS của Singapore đã khởi đầu hành trình xây dựng hệ sinh thái số mở (ODE) của đảo quốc này. Nó đã tuân thủ một số nguyên tắc hướng dẫn của ODE như tạo các khối xây dựng kỹ thuật số có thể tái sử dụng và chia sẻ, đầu tư vào năng lực của con người để bảo đảm hoạt động trơn tru và áp dụng cách tiếp cận có sự tham gia của nhiều nguồn lực để xây dựng các giải pháp. Từ những năm 1980, với chương trình tin học hóa quốc gia, Chính phủ Singapore đã đưa ra 7 kế hoạch công nghệ thông tin - truyền thông quốc gia để hỗ trợ phát triển và triển khai Chính phủ điện tử để sau này chuyển lên thành CPS.