SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
3
3
7
1
6
2
0
Hoạt động ngành 01 Tháng Mười 2012 1:55:00 CH

(TTTP) Ngành Thanh tra đã nỗ lực rất cao trong giải quyết khiếu nại, tố cáo

 

   Đó là nhận xét của các thành viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội trong họp phiên toàn thể lần thứ 6, ngày 28/9/2012, tổ chức tại TP.Hồ Chí Minh, để thảo luận, góp ý Báo cáo về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo (KNTC) năm 2012 của Chính phủ, cùng dự có Tổng Thanh tra Huỳnh Phong Tranh, Phó Tổng Thanh tra Nguyễn Chiến Bình và đại diện Văn phòng Thanh tra Chính phủ.

    Chuyển biến tích cực.

    Theo Phó Tổng Thanh tra Nguyễn Chiến Bình, trong năm 2012, các cơ quan hành chính nhà nước tiếp 349.129 lượt công dân đến KNTC, trong đó có 4.772 lượt đoàn đông người, tiếp nhận 136.783 đơn thư KNTC. So với năm 2011, số lượt công dân KNTC giảm 2,06%, số lượt đoàn đông người tăng 22,6% và số lượng đơn thư KNTC giảm 7,31%. Như vậy, tình hình KNTC của công dân có giảm so với cùng kỳ năm 2011 về số lượt người, số lượng đơn thư và số vụ việc KNTC. Tuy nhiên, số lượt đoàn đông người tăng và tính chất mức độ có thời điểm gay gắt hơn từ tháng 2 đến tháng 5/2012. Trong đó có không ít vụ việc phát sinh trước đây đã được các cấp chính quyền giải quyết nhiều lần, với nhiều biện pháp khác nhau nhưng không dứt điểm, nhất là các vụ việc KN liên quan đến thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án; các vụ việc đòi lại nhà đất, tranh chấp đất đai. Đáng chú ý là một số đối tượng xúi giục, kích động, lôi kéo những người đi KN liên kết đông người, có những hành vi quá khích, gây rối, tụ tập, làm mất an ninh, trật tự.

  Tình hình KNTC nêu trên đã ảnh hưởng đến an ninh, trật tự tại một số địa bàn trong một số thời điểm, một số dự án bị đình trệ, kéo dài, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế- xã hội. Đáng quan tâm là một số người KN thể hiện thái độ coi thường kỷ cương, bất chấp pháp luật, có hành vi đối đầu với chính quyền, thậm chí dùng vũ khí nóng để chống người thi hành công vụ.

Phó Tổng Thanh tra Nguyễn Chiến Bình đã phân tích nguyên nhân chủ yếu của tình hình KNTC hiện nay là do: Cơ chế, chính sách, pháp luật còn có những điểm bất cập, nhất là các quy định về đất đai và một số quy định về nhà ở, về KNTC...Trong lĩnh vực đất đai, bất cập và vướng mắc nhiều nhất là các quy định về bồi thường, hỗ trợ khi nhà nước thu hồi đất. Một số vụ việc KN do lịch sử để lại, như đòi lại đất cũ, tranh chấp đất đai, nhà ở, đòi lại cơ sở tôn giáo, công dân KN gay gắt, kéo dài nhiều năm, nay rất khó khi áp dụng pháp luật để giải quyết. Công tác chỉ đạo, điều hành và quản lý nhà nước ở một số địa phương còn yếu kém, nhất là công tác quản lý đất đai. Ý thức chấp hành pháp luật của người KN còn hạn chế nên có những trường hợp đưa ra yêu cầu, đòi hỏi quá đáng. Có những vụ việc đã được giải quyết nhiều lần, cơ bản là đúng chính sách, pháp luật, bảo đảm có lý, có tình nhưng người KN vẫn không chấp nhận mà cố tình KN kéo dài, thậm chí có những phản ứng tiêu cực, cố chấp, gây rối trật tự hoặc bị kẻ lợi dụng, lôi kéo, kích động đi khiếu kiện đông người, phức tạp.

   Những kết quả đạt được.

   Chính phủ xác định công tác giải quyết KNTC là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để tập trung chỉ đạo các ngành, các cấp thực hiện. Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều văn bản chỉ đạo công tác giải quyết KNTC, trong đó đã chỉ đạo các cơ quan hành chính nhà nước tập trung thực hiện Đề án đổi mới công tác tiếp công dân, giải quyết kịp thời đơn thư KNTC của công dân, đặc biệt là các vụ việc KNTC đông người, phức tạp, kéo dài, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, góp phần giữ vững ổn định chính tri- xã hội, phục vụ các nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội. Hàng quý, Chính phủ nghe Tổng Thanh tra Chính phủ báo cáo tình hình và kết quả công tác tiếp dân, xử lý đơn thư, giải quyết KNTC để có biện pháp chỉ đạo giải quyết kịp thời. Đối với vụ việc KNTC phức tạp, dư luận đặc biệt quan tâm, Thủ tướng, Phó Thủ tướng Chính phủ trực tiếp nghe các cơ quan chức năng báo cáo để chỉ đạo giải quyết, xử lý dứt điểm. Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì Hội nghị toàn quốc đánh gía tình hình, nguyên nhân, sau đó ban hành Chỉ thị số 14/CT-TTg về chấn chỉnh và nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC. Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp Bộ Tài nguyên Môi trường, Bộ Công an tổ chức 3 Hội nghị về công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC, ban hành Kế hoạch 1130/KH-TTCP ngày 10/5/2012, Công văn số 1644/TTCP-VP ngày 2/7/2012 hướng dẫn việc rà soát, thống kê, phân loại kiểm tra các vụ việc KNTC tồn đọng, phức tạp, kéo dài để có kế hoạch, biện pháp giải quyết dứt điểm. Các Bộ, ngành, địa phương đã chủ động, tích cực, nghiêm túc triển khai thực hiện chỉ đạo và hướng dẫn về công tác giải quyết KNTC, tập trung rà soát và phối hợp để giải quyết dứt điểm các vụ việc KNTC tồn đọng, phức tạp, kéo dài.

Phó Tổng Thanh tra Nguyễn Chiến Bình đã đưa ra số liệu về kết quả giải quyết KNTC, theo đó, từ đầu năm 2012 đến nay, các cơ quan hành chính nhà nước đã giải quyết 59.496/70.587 vụ việc KNTC thuộc thẩm quyền, đạt tỷ lệ 84,3%. Qua đó, các cơ quan chức năng đã kiến nghị thu hồi cho Nhà nước 96,790 tỷ đồng, 84 ha đất, trả lại cho tập thể, công dân 215,557 tỷ đồng, 132,3 ha đất, minh oan cho 343 người, trả lại quyền lợi cho 2.960 người, kiến nghị xử lý hành chính 493 người, chuyển cơ quan điều tra xem xét trách nhiệm hình sự 49 vụ việc, với 56 người.

Thanh tra Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai các Tổ công tác kiểm tra, rà soát để giải quyết 528 vụ việc tồn đọng, phức tạp, kéo dài. Tính đến nay đã rà soát được 389/528 vụ việc, đạt tỷ lệ 73,6%, trong đó 280 vụ việc đã có phương án giải quyết thống nhất giữa Bộ, ngành Trung ương và địa phương, đạt tỷ lệ 53%.

     Các giải pháp.

     Tổng Thanh tra Huỳnh Phong Tranh cho rằng, năm 2013, dự báo tình hình KNTC của công dân vẫn tiếp tục có những diễn biến phức tạp. Chủ trương của Chính phủ là phải tạo điều kiện thuận lợi cho công dân thực hiện quyền KNTC; chủ động kịp thời xử lý các vụ việc KNTC, đặc biệt là các vụ việc đông người, phức tạp, gay gắt; kiểm soát tốt tình hình KNTC, đảm bảo quyền dân chủ của công dân, không để xảy ra "điểm nóng" gây mất an ninh, trật tự, giải quyết kịp thời, đúng pháp luật các vụ việc mới phát sinh, Các cấp, các ngành phấn đấu giải quyết KNTC đạt tỷ lệ trên 85%; tiếp tục rà soát, giải quyết dứt điểm các vụ việc tồn đọng, phức tạp, kéo dài; tổ chức thực hiện triệt để các quyết định giải quyết đã có hiệu lực thi hành, với các giải pháp sau:

   Tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về KNTC, đất đai, nhà ở, ban hành 2 Nghị định hướng dẫn thi hành Luật KN, Luật TC, sau đó chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương tuyền truyền, triển khai hiệu quả.

   Chấn chỉnh những tồn tại, yếu kém trong quản lý nhà nước, công khai, minh bạch trong quá trình thực hiện chính sách, pháp luật, nhất là trong lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai, đầu tư, xây dựng nhằm hạn chế phát sinh KNTC.

   Củng cố, kiện toàn tổ chức, hoạt động của các cơ quan làm nhiệm vụ tiếp công dân, giải quyết KNTC.

   Bảo đảm an ninh, trật tự trong giải quyết KNTC. Các Bộ, ngành, chính quyền địa phương các cấp, tập trung nắm chắc tình hình KNTC, chủ động phát hiện những vụ việc có dấu hiệu ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự để tập trumg giải quyết, không để phát sinh thành "điểm nóng". Bộ Công an tăng cường chỉ đạo Công an các địa phương làm tốt công tác bảo đảm ani ninh, trật tự liên quan đến công tác tiếp dân, giải quyết KNTC.

   Tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về KNTC, đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về các vụ việc cụ thể, đảm bảo chính xác, khách quan, trung thực, chú trọng việc biểu dương những điển hình tốt, kinh nghiệm, sáng kiến, phê phán những hành vi vi phạm và những biểu hiện lêch lạc trong lĩnh vực KNTC.

  Chính phủ kiến nghị Quốc hội quan tâm chỉ đạo các cơ quan của Quốc hội tăng cường hướng dẫn và phối hợp với cơ quan của Chính phủ trong xây dựng và hoàn thiện sớm trình Quốc hội thông qua Luật Đất đai để từng bước khắc phục thiếu sót, bất cập về cơ chế, chính sách làm phát sinh nhiều KNTC trong lĩnh vực này; thông qua Luật Tiếp công dân để đưa công tác tiếp công dân vào nền nếp, góp phần nâng cao hiêu quả công tác giải quyết KNTC.  Quốc hội chỉ đạo các Ủy ban của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp, tăng cường giám sát trách nhiệm tiếp công dân, giải quyết KNTC của thủ trưởng cơ quan hành chính các cấp, trong giải quyết các vụ việc KNTC đông người, phức tạp.

    Sau khi Phó Tổng Thanh tra Nguyễn Chiến Bình trình bày tóm tắt Báo cáo công tác giải quyết KNTC năm 2012, Ủy ban Pháp luật có Báo cáo thẩm tra và ý kiến phát biểu của các thành viên Uỷ ban Pháp luật. Các đại biểu đồng tình với Báo cáo của Chính phủ, đã đi thẳng vào vấn đề, phản ánh được thực trạng của tình hình KNTC, nguyên nhân phát sinh KNTC cũng như kết quả công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC của các ngành, các cấp trong năm 2012, đặc biệt là sự nỗ lực rất cao của ngành Thanh tra trong giải quyết KNTC cùng với việc kiểm tra, rà soát các vụ việc tồn đọng, phức tạp, kéo dài trên phạm vi cả nước. Báo cáo đã phân tích, đánh giá được những chuyển biến tích cực cũng như hạn chế, yếu kém trong công tác giải quyết KNTC đồng thời nêu ra các kiến nghị, giải pháp nhằm góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác này trong thời gian tới.

 

Ảnh- Quang cảnh buổi họp của Ủy ban Pháp luật

 

 

 

 Ngô Quang Tâm


Số lượt người xem: 5783    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Tìm kiếm