Ngày 16/5, dưới sự chủ trì của Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh, Thanh tra Chính phủ tổ chức Hội nghị phổ biến, tuyên truyền về Luật Tiếp cận thông tin tới toàn bộ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Thanh tra Chính phủ, nêu ra tầm quan trọng và cần thiết của Luật Tiếp cận Thông tin đối với mỗi cá nhân, doanh nghiệp trong việc tiếp cận thông tin

 

 Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh phát biểu tại Hội nghị

 

Tại Hội nghị, bà Nguyễn Thị Hạnh, đại diện Bộ Tư Pháp đã giới thiệu những nội dung cơ bản của Luật Tiếp cận thông tin tới toàn thể cán bộ, công chức, viên chức cơ quan Thanh tra Chính phủ. Cụ thể:

 

Luật Tiếp cận Thông tin có 5 chương và 37 điều và có sự tác động sâu sắc đến các vấn đề chính trị, xã hội, kinh tế của đất nước, được đánh giá sẽ đem lại những lợi ích nhiều mặt đối với công dân, tổ chức và Nhà nước; Luật Tiếp cận thông tin đã được Quốc hội thông qua ngày 6/4/2016; Chủ tịch nước ký lệnh công bố ngày 19/4/2016 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2018.

 

 Bà Nguyễn Thị Hạnh nêu rõ tầm quan trọng của Luật Tiếp cận thông tin đối với mỗi cá nhân, tổ chức. Ảnh: Lê Hoàng

 

Bà Hạnh cũng cho biết: Quyền tiếp cận thông tin là một trong các quyền cơ bản của con người, của công dân thuộc nhóm quyền dân sự - chính trị đã được ghi nhận trong Tuyên ngôn Thế giới về nhân quyền của Liên Hợp quốc năm 1948, Công ước Quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966 mà Việt Nam là thành viên và  tiếp tục được khẳng định trong nhiều điều ước quốc tế khác như Công ước của Liên Hợp quốc về chống tham nhũng, Tuyên bố Rio về Môi trường và phát triển, Công ước UNECE về tiếp cận thông tin môi trường.

 

Sự ra đời của Luật là điều kiện cần thiết để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân và doanh nghiệp trong việc tiếp cận thông tin, làm tăng tính hiệu quả, minh bạch và trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước; bảo đảm sự công bằng, dân chủ và tăng cường trách nhiệm của công dân; góp phần thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về mở rộng dân chủ, bảo đảm quyền công dân, quyền con người, tạo cơ chế để nhân dân thực hiện đầy đủ quyền dân chủ, nhất là dân chủ trực tiếp; tạo tiền đề thực hiện các quyền tự do dân chủ khác của công dân được Hiến pháp năm 2013.

 

 Hội nghĩ diễn ra với tinh thần học hỏi và nghiêm túc. Ảnh: Lê Hoàng


Luật Tiếp cận thông tin được Quốc hội thông qua ngày 6/4/2016; Chủ tịch nước ký lệnh công bố ngày 19/4/2016 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2018./. 

PLH