Hội nghị toàn quốc học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 (khóa XII) của Đảng vừa được diễn ra tại Hà Nội ngày 29/6 tập trung quán triệt 3 Nghị quyết gồm: Nghị quyết về Phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN; Nghị quyết về Tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) và Nghị quyết về Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN. Những quan điểm, những tư tưởng chỉ đạo, những mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp lớn trong các Nghị quyết cần được quán triệt sâu sắc và tập trung triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả nhằm tạo sự chuyển biến nhận thức, thống nhất ý chí và hành động trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, trước hết là đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là các cán bộ lãnh đạo chủ chốt trong các cấp, các ngành và các địa phương.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: “Trong bài phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 5 vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh, 3 Nghị quyết chuyên đề về kinh tế được Trung ương ban hành tại Hội nghị lần này đều là những vấn đề cốt yếu, đặc biệt quan trọng đối với việc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm do Đại hội lần thứ 12 đã đề ra về phát triển kinh tế - xã hội”. Nội dung trọng tâm của các Nghị quyết này là những định hướng lớn, mang tính đột phá về thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, cơ cấu lại DNNN và phát triển kinh tế tư nhân. Đây là những chủ thể rất quan trọng, là nơi tạo ra của cải vật chất chủ yếu của nền kinh tế.


 

Toàn cảnh hội nghị tại điểm cầu Trung ương. Ảnh: Viết Thành 

 

Để quán triệt, triển khai hiệu quả các Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 5 khóa XII, Thủ tướng đề nghị bám sát vào các mục tiêu, quan điểm chỉ đạo, các nhiệm vụ giải pháp chủ yếu đã nêu trong Nghị quyết và hướng dẫn của Trung ương trong đó chú trọng một số nội dung.

Trước hết, phải thống nhất nhận thức và các nội dung cốt lõi của Nghị quyết. Về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, nền kinh tế thị trường định hướng XHCN mà nước ta xây dựng là nền kinh tế vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, đồng thời bảo đảm định hướng XHCN phù hợp với từng giai đoạn phát triển, là nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế, có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền XHCN do Đảng Cộng sản lãnh đạo nhằm mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, thể hiện sự ưu việt của chế độ ta. Đồng thời, hoàn thiện thể chế kinh tế phải đi đôi với việc đổi mới, hoàn thiện tổ chức bộ máy cán bộ của toàn hệ thống chính trị. Xác định rõ và thực hiện đúng vị trí, vai trò, chức năng và mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội phù hợp với kinh tế thị trường, bảo đảm định hướng XHCN, giữ vững và tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng.

Đối với Nghị quyết về việc tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới, nâng cao hiệu quả của DNNN, để DNNN hoạt động hiệu quả trong nền kinh tế thị trường, phát huy được vai trò then chốt trong khu vực kinh tế Nhà nước, việc tiếp tục đẩy mạnh, cơ cấu lại, cổ phần hóa, thoái vốn, nâng cao hiệu quả DNNN là nhiệm vụ rất quan trọng, cấp thiết. DNNN tập trung nâng cao hiệu quả quản trị của DNNN, đáp ứng các yêu cầu thực tiễn và chuẩn mực quốc tế; hoạt động theo cơ chế thị trường, tự chủ, tự chịu trách nhiệm, cạnh tranh bình đẳng, bảo đảm công khai, minh bạch và có trách nhiệm giải trình. Tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, giám sát, kiểm tra, thanh tra, không bị thất thoát lãng phí vốn, tài sản Nhà nước. Tách bạch, phân định rõ chức năng quản lý Nhà nước với chức năng sở hữu Nhà nước. Thành lập một cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu đối với DNNN và vốn góp của Nhà nước vào doanh nghiệp.

Đồng thời, tập trung xử lý dứt điểm các tập đoàn, các tổng công ty, các doanh nghiệp, các dự án, các công trình đầu tư không hiệu quả, thua lỗ kéo dài, kể cả bằng biện pháp giải thể, phá sản. Kiên quyết xử lý các vi phạm, nhóm lợi ích, sân sau, trục lợi cá nhân, tham nhũng, lãng phí. Triển khai nghiêm kết luận của Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng về xử lý những dự án điểm liên quan đến tập đoàn, tổng công ty Nhà nước.

Đối với Nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế, Đảng, Nhà nước ta đã ban hành và lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện nhiều chủ trương, chính sách, biện pháp quan trọng về khuyến khích, tạo điều kiện để kinh tế tư nhân phát triển. Sau hơn 30 năm đổi mới, nhận thức về vị trí, vai trò của kinh tế tư nhân đã có những bước tiến quan trọng. Tại Nghị quyết lần này, Trung ương xác định rõ kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng để phát triển kinh tế, khuyến khích tạo điều kiện thuận lợi để kinh tế tư nhân phát triển nhanh và bền vững. Bên cạnh đó, tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát, kiểm soát, thực hiện công khai, minh bạch, ngăn chặn, hạn chế mặt tiêu cực, đặc biệt là phòng chống mọi biểu hiện của chủ nghĩa tư bản thân hữu, quan hệ, lợi ích nhóm, thao túng chính sách, cạnh tranh không lành mạnh để trục lợi bất chính.

“Vấn đề thứ hai cần quán triệt, đó là đề nghị các đồng chí tập trung lắng nghe những nội dung phổ biến, quán triệt tại Hội nghị, tự nghiên cứu tài liệu, trao đổi thảo luận, nắm vững những tư tưởng chủ đạo của Nghị quyết để tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện một cách có hiệu quả”, Thủ tướng nhấn mạnh. Trong đó, chú trọng những điểm mới, cụ thể hóa về mục tiêu, về quan điểm, về tư tưởng chỉ đạo, những nội dung cốt lõi và nhiệm vụ giải pháp có tính đột phá cần triển khai thực hiện Nghị quyết, góp phần tháo gỡ những vướng mắc, tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN; khắc phục những hạn chế, yếu kém để cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả hoạt động DNNN và phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế.

Thủ tướng đề nghị, ngay sau khi Hội nghị kết thúc, các đại biểu theo chức năng và nhiệm vụ được giao, chỉ đạo xây dựng và triển khai thực hiện hiệu quả chương trình hành động triển khai Nghị quyết Trung ương 5 Khóa XII của Đảng, gắn với thực tiễn của ngành, cơ quan, đơn vị, làm cơ sở để xây dựng chương trình, kế hoạch hành động cụ thể của từng cấp ủy, từng cơ quan, đề xuất phương hướng, mục tiêu, giải pháp trong những lĩnh vực, nhiệm vụ, công việc được giao. Bên cạnh đó, tiếp tục nghiên cứu, đề xuất và tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong từng lĩnh vực ngành, cơ quan, đơn vị để những quan điểm, định hướng chỉ đạo, các nội dung cơ bản của Nghị quyết được áp dụng và phát huy hiệu quả trong thực tiễn cuộc sống.

Thủ tướng lưu ý, việc thực hiện các Nghị quyết, nhất là 3 Nghị quyết về kinh tế lần này phải được thực hiện đồng bộ, nhất quán với Nghị quyết Đại hội XII và các Nghị quyết khác của Trung ương. Cụ thể hóa thành các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, của các cấp, các ngành, của các địa phương, để đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh, mở rộng quan hệ đối ngoại; tăng cường và củng cố niềm tin trong Đảng, trong nhân dân.

“Để thực hiện hiệu quả các Nghị quyết của Trung ương thì nhận thức phải chín, tư tưởng phải thông, quyết tâm phải lớn, phương pháp phải đúng, hành động phải quyết liệt, khen thưởng kỷ luật phải nghiêm minh. Đặc biệt là khâu tổ chức thực hiện của cấp ủy, chính quyền phải nghiêm túc”, Thủ tướng nhấn mạnh./.

L.A