SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
3
3
5
9
2
8
1
Tin tức sự kiện 29 Tháng Tám 2012 10:00:00 SA

(TTTP) Đề cương giới thiệu những nội dung cơ bản của Luật Khiếu nại (Phần 1)

Luật Khiếu nại được Quốc hội thông qua tại phiên họp ngày 11 tháng 11 năm 2011, kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIII. Luật có hiệu lực thi hành ngày 01 tháng 7 năm 2012.

Chi hội luật gia Thanh tra thành phố giới thiệu một số nội dung cơ bản của Luật như sau:

1. SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG VÀ BAN HÀNH LUẬT KHIẾU NẠI

            Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, năm 1998 Quốc hội đã ban hành Luật Khiếu nại, tố cáo và đã sửa đổi, bổ sung một số quy định vào năm 2004, 2005. Quá trình thực hiện cho thấy, các quy định của Luật Khiếu nại, tố cáo đã góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết khiếu nại, tố cáo ở các cấp, các ngành. Các vụ việc khiếu nại đã cơ bản được xem xét, giải quyết kịp thời, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức được bảo vệ, góp phần bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Tuy nhiên, sau nhiều năm thực hiện, đến nay Luật Khiếu nại, tố cáo đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Cụ thể là:

            Một là, thực tế giải quyết khiếu nại, tố cáo sau nhiều năm cho thấy, khiếu nại và tố cáo là hai vấn đề khác nhau. Các quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục khiếu nại và giải quyết khiếu nại, tố cáo và giải quyết tố cáo trong Luật Khiếu nại, tố cáo cũng độc lập với nhau... Tuy nhiên, khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo lại được quy định trong cùng một văn bản. Do vậy, đã gây ra không ít khó khăn cho việc áp dụng các quy định của Luật Khiếu nại, tố cáo. Mặt khác, quy định khiếu nại và tố cáo trong cùng một văn bản cũng dẫn đến nhầm lẫn của các cơ quan nhà nước và công dân, làm cho công dân nhiều khi khiếu nại, tố cáo đến cùng một cơ quan nhà nước. Điều này gây tốn kém công sức của nhân dân và tiền của của các cơ quan nhà nước, làm giảm hiệu quả công tác giải quyết khiếu nại. Để khắc phục hạn chế này, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 31/2009/QH12 ngày 17/6/2009 của Quốc hội khóa XII quyết định xây dựng dự án Luật Khiếu nại và đưa vào chương trình chính thức để Quốc hội cho ý kiến. Như vậy, vấn đề khiếu nại và tố cáo được tách bạch và điều chỉnh ở hai văn bản luật là cần thiết.

Hai là, cơ chế giải quyết khiếu nại chưa đảm bảo đầy đủ tính khách quan, công khai, dân chủ; việc khởi kiện của người dân tại Tòa án còn bị hạn chế; nhiều trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại chưa cụ thể, rõ ràng, nhất là việc chưa làm rõ thủ tục giải quyết khiếu nại lần đầu với lần hai và giải quyết khiếu nại lần đầu còn phức tạp, vì vậy chưa tạo thuận lợi cho công dân, cơ quan, tổ chức. Vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội, của luật sư và trợ giúp viên pháp lý trong quá trình giải quyết khiếu nại chưa được quy định cụ thể, còn hạn chế; hiệu lực thi hành các quyết định giải quyết khiếu nại chưa cao. Bên cạnh đó, một số văn bản pháp luật hiện hành có quy định về khiếu nại và giải quyết khiếu nại hoặc liên quan đến khiếu nại và giải quyết khiếu nại, như pháp luật về đất đai, Luật Tố tụng hành chính còn có sự mâu thuẫn, chồng chéo với Luật Khiếu nại, tố cáo, chưa tạo sự thống nhất trong các quy định về khiếu nại và giải quyết khiếu nại.

Ba là, những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều nghị quyết, chỉ thị đề cập tới công tác giải quyết khiếu nại, coi công tác này là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong cải cách hành chính nhà nước và phát huy quyền dân chủ của nhân nhân. Cụ thể là Nghị quyết số 48/NQ-TW, ngày 24/5/2005 của Bộ chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010 và định hướng năm 2020 xác định cần hoàn thiện pháp luật về khiếu nại, tố cáo. Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX của Đảng chỉ rõ cần khắc phục tình trạng chồng chéo, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, gây khó khăn, chậm trễ trong công việc và giải quyết khiếu kiện của dân. Thông báo Kết luận số 130 – TB/TW ngày 10/1/2008 của Bộ Chính trị về tình hình, kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo từ năm 2006 đến nay và giải pháp trong thời gian tới đã xác định là cần đẩy mạnh công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật... Tuy nhiên, các chủ trương, quan điểm trên chưa được thể chế hóa kịp thời và đầy đủ trong pháp luật về khiếu nại.

            Xuất phát từ những lý do trên, Quốc hội đã quyết định xây dựng Luật Khiếu nại nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật Khiếu nại, tố cáo hiện hành, đáp ứng yêu cầu của việc giải quyết khiếu nại hành chính hiện nay.

            2. QUAN ĐIỂM, NGUYÊN TẮC XÂY DỰNG LUẬT KHIẾU NẠI

            Thứ nhất, việc xây dựng Luật Khiếu nại phải quán triệt và cụ thể hóa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác giải quyết khiếu nại, phù hợp với tiến trình cải cách nền hành chính nhà nước và cải cách công tác tư pháp hiện nay.

Thứ hai, Luật Khiếu nại tạo điều kiện thuận lợi cho công dân, cơ quan, tổ chức thực hiện quyền khiếu nại, đề cao trách nhiêm của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc giải quyết việc khiếu nại, góp phần nâng cao hiệu quả công tác giải quyết khiếu nại và hiệu lực công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực đời sống kinh tế, xã hội.

            Thứ ba, xây dựng Luật Khiếu nại trên cơ sở tổng kết thực tiễn tình hình khiếu nại và giải quyết khiếu nại; kế thừa các quy định còn phù hợp của Luật Khiếu nại, tố cáo; thiết lập được trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại đơn giản, nhanh chóng, công khai, minh bạch và có hiệu quả; góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân; phát huy quyền dân chủ của nhân dân.

            Thứ tư, bảo đảm tính hợp hiến, thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật và khả năng thi hành của Luật Khiếu nại; tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của nước ngoài về giải quyết khiếu nại, các quy định của Luật Khiếu nại không cản trở việc thực hiện Điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Trần Đình Trữ

Trưởng phòng Pháp chế - Thanh tra TP. HCM


Số lượt người xem: 5390    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Tìm kiếm