SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
3
3
6
5
1
2
2
Phòng chống tham nhũng 12 Tháng Bảy 2016 3:15:00 CH

(TTTP) Nhiều vụ án tham nhũng được phát hiện qua thanh tra, kiểm tra

 

Cập nhật: 12/07/2016 15:03           

(Thanh tra) - Sáng nay (12/7), tại Hà Nội, Văn phòng Chính phủ tổ chức Hội nghị toàn quốc Tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng chống tham nhũng (PCTN). Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình dự và chỉ đạo hội nghị.

                   

Nhiều vụ án tham nhũng được phát hiện qua thanh tra, kiểm tra

Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho 8 tập thể và 3 cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện Luật PCTN. Ảnh: Phương Hiếu

Hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng tăng

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình cho biết, việc ban hành và thực hiện Luật PCTN năm 2005 đã góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, nhân dân về tác hại của tệ nạn tham nhũng; công tác PCTN đã đạt được những kết quả quan trọng, có những chuyển biến đáng ghi nhận trên mọi mặt.

Việc tự phát hiện tham nhũng thông qua công tác kiểm tra và nhất là qua hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo tăng nhiều so với trước. Nhiều vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp được phát hiện, điều tra, xử lý với những bản án nghiêm minh đã có tác dụng răn đe, ngăn chặn hành vi tham nhũng. Thông qua việc xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng đã giúp các cấp, ngành phát hiện những sơ hở, thiếu sót trong quản lý kinh tế - xã hội, từ đó bổ sung cơ chế, chính sách, khắc phục những tồn tại, yếu kém, đưa ra các giải pháp phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng phù hợp hơn. 

 
Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: PH
Qua 10 năm đã xác minh được 4.859 trường hợp, phát hiện, xử lý kỷ luật 17 người kê khai tài sản không trung thực. Ngoài ra, còn có 70 người bị xử lý kỷ luật do vi phạm quy định về tổ chức thực hiện việc kê khai tài sản, thu nhập.
Về nộp lại quà tặng, có 879 cán bộ, công chức nộp lại quà tặng với tổng giá trị 3,3 tỷ đồng; có 10 trường hợp vi phạm được phát hiện và xử lý.

Hiệu quả thu hồi tài sản qua công tác thanh tra, điều tra tội phạm tham nhũng có chuyển biến rõ rệt; vai trò của các tổ chức, đoàn thể chính trị - xã hội, báo chí trong PCTN được đề cao; cơ chế bảo vệ, khen thưởng xứng đáng người tố cáo hành vi tham nhũng được xây dựng và tổ chức thực hiện, các sáng kiến PCTN của cộng đồng được khuyến khích, hỗ trợ thực hiện… góp phần quan trọng nâng cao vai trò, trách nhiệm của xã hội và mỗi người dân trong PCTN. 

Tuy nhiên, cũng theo Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, cùng với những kết quả đạt được, công cuộc đổi mới đất nước đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ, trong đó có tệ tham nhũng; công tác PCTN hiện nay chưa đạt yêu cầu và mục tiêu đề ra là ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng; tình hình tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp trên nhiều lĩnh vực gây hậu quả xấu về nhiều mặt, làm giảm sút lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý Nhà nước, tiềm ẩn các xung đột lợi ích, phản kháng về xã hội, làm tăng thêm khoảng cách giàu nghèo… 

“Tham nhũng đang trở thành một trong những nguy cơ chính đe dọa sự ổn định chính trị, sự tồn vong của Đảng, của chế độ, trật tự và an toàn xã hội, xói mòn các thể chế, các giá trị dân chủ, các giá trị đạo đức. Kết quả tổng kết 10 năm thực hiện Luật PCTN là những cơ sở lý luận và thực tiễn quan trọng để tới đây Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi toàn diện Luật PCTN nhằm tạo sự tác động mạnh mẽ, thúc đẩy công tác PCTN ngày càng hiệu quả, thực chất hơn; đồng thời kết quả tổng kết, đánh giá cũng sẽ là cơ sở quan trọng để Đảng, Nhà nước và Chính phủ quyết định những chính sách, giải pháp quan trọng về PCTN trong thời gian tới”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

 
"Qua hoạt động thanh tra cũng đã phát hiện 670 vụ với trên 1.800 đối tượng có hành vi, biểu hiện tham nhũng với số tiền, tài sản liên quan là trên 1 nghìn tỷ đồng", Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu cho biết. Ảnh: PH

Trên 1 nghìn 800 đối tượng có hành vi tham nhũng

Trình bày báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Luật PCTN tại hội nghị, Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu khẳng định, qua 10 năm thi hành, Luật PCTN đã thúc đẩy sự chuyển biến rõ nét trên hầu hết các lĩnh vực quản lý Nhà nước, góp phần tích cực xây dựng xã hội công khai, minh bạch, dân chủ, củng cố và giữ vững niềm tin của nhân dân. Hệ thống bộ máy Nhà nước, thể chế, chính sách được hoàn thiện hơn cùng với việc mở rộng công khai, minh bạch, thực hiện trách nhiệm giải trình, tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm.

Các biện pháp phòng ngừa tham nhũng được đẩy mạnh thực hiện, thường xuyên được rà soát, đánh giá, điều chỉnh phù hợp hơn đã ngày càng phát huy hiệu quả. Nhiều vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp được phát hiện, điều tra, xử lý với những bản án nghiêm minh đã có tác dụng răn đe, ngăn chặn hành vi tham nhũng. 

Đáng chú ý, qua hoạt động thanh tra cũng đã phát hiện 670 vụ với trên 1.800 đối tượng có hành vi, biểu hiện tham nhũng với số tiền, tài sản liên quan là trên 1 nghìn tỷ đồng; chuyển cơ quan điều tra 274 vụ, 429 đối tượng có dấu hiệu tội phạm tham nhũng. Cả nước có 918 người đứng đầu và cấp phó đã bị xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng, trong đó xử lý hình sự 118 trường hợp; xử lý kỷ luật 800 trường hợp. Đến nay, tỷ lệ kê khai tài sản, thu nhập đúng thời hạn đã đạt 99,5%, công khai đạt tỷ lệ 98,3%. Qua 10 năm đã xác minh được 4.859 trường hợp, phát hiện, xử lý kỷ luật 17 người kê khai tài sản không trung thực. 

Tuy nhiên, nhiều hạn chế, yếu kém cũng được Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu chỉ rõ, đó là thể chế, chính sách về quản lý kinh tế - xã hội trên nhiều lĩnh vực vẫn còn bất cập; công khai, minh bạch còn hạn chế, chưa xóa bỏ được cơ chế "xin, cho", là điều kiện dung dưỡng và làm nảy sinh tham nhũng, nhất là trên lĩnh vực quản lý đất đai, đầu tư xây dựng, quản lý ngân sách, vốn, tài sản Nhà nước, tổ chức - cán bộ, tín dụng, ngân hàng... Một số cơ quan, đơn vị và người đứng đầu chưa quyết liệt trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác PCTN. Các biện pháp phòng ngừa tham nhũng hiệu quả chưa cao. 

Việc kê khai tài sản, thu nhập còn nặng về hình thức; hầu hết các bản kê khai chưa được kiểm tra, xác minh, kiểm chứng. Việc tự kiểm tra, phát hiện tham nhũng hiệu quả thấp. Một số quy định của pháp luật liên quan tới việc phát hiện, xử lý tham nhũng không hợp lý, gây khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện. 

Hiệu quả phát hiện vụ việc tham nhũng qua thanh tra, kiểm tra, kiểm toán còn chưa cao; các cơ quan chức năng vào cuộc chưa quyết liệt, thẩm quyền của các cơ quan này còn hạn chế, không đủ để làm rõ hành vi tham nhũng trong trường hợp đã phát hiện dấu hiệu tiêu cực, tham nhũng. 

Các vụ việc, vụ án tham nhũng được phát hiện, xử lý chủ yếu ở cấp cơ sở; nhiều vụ việc, vụ án có quy mô lớn chậm được phát hiện, khi phát hiện thì chậm được làm rõ, kết luận và xử lý. Việc xử lý các vụ án tham nhũng thường bị kéo dài, có một số trường hợp phạm tội phạm tham nhũng nhưng cho hưởng án treo chưa đúng quy định.

Tại hội nghị, đại diện Ban Nội chính Trung ương, Bộ Công an, Bộ Tài chính, TP Hồ Chí Minh, tỉnh Quảng Ninh, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Hội Cựu chiến binh đã trình bày tham luận về kết quả 10 năm thực hiện Luật PCTN và những đề xuất, kiến nghị.

 
Phó Thủ tướng Chính phủ trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho Cục Chống tham nhũng (TTCP) đã có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện Luật PCTN. Ảnh: PH

Tại hội nghị, Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an, cho biết trong 10 năm, cơ quan công an các cấp đã khởi tố điều tra gần 3.000 vụ án, hơn 7.000 bị can phạm tội về tham nhũng. Theo thống kê, các vụ án tham nhũng đã gây thiệt hại trên 23.500 tỷ đồng.

Tình hình tội phạm tham nhũng vẫn tiềm ẩn nhiều phức tạp, dễ gây thiệt hại lớn tài sản của Nhà nước và nhân dân, các lĩnh vực trọng điểm dễ xảy ra tham nhũng như hoạt động tín dụng ngân hàng, quản lý sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản, lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý sử dụng vốn, tài sản của Nhà nước…

Các tham luận tại hội nghị đã tập trung vào các nội dung về mô hình cơ quan chỉ đạo công tác PCTN, kết quả hoạt động của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN; chống oan sai, bỏ lọt tội phạm trong thực hiện quyền công tố và kiểm sát việc giải quyết các vụ án tham nhũng; công tác điều tra tội phạm tham nhũng; việc xây dựng và thực hiện chế độ, định mức, tiêu chuẩn về tài chính, vai trò của Hội cựu chiến binh trong công tác PCTN và công tác PCTN trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Quảng Ninh. Theo các đại biểu, để công tác PCTN thời gian tới đạt hiệu quả, ngăn chặn và đẩy lùi được tệ tham nhũng thì đòi hỏi phải có quyết tâm chính trị cao và sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị. Đặc biệt là phải đề cao vai trò lãnh đạo toàn diện của Đảng, phát huy vai trò, trách nhiệm, sự chủ động và hiệu quả phối hợp công tác của các cơ quan chức năng PCTN. Xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về PCTN đồng bộ, thống nhất, khả thi, đề cao trách nhiệm tổ chức thi hành của các cấp, các ngành và người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị. Thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, trọng tâm là công khai, minh bạch hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị, kiểm soát tài sản, thu nhập của xã hội, phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa và vai trò của các thiết chế giám sát, phản biện xã hội.

Hội nghị cũng đã tuyên dương những tập thể, cá nhân trong cả nước có thành tích xuất sắc trong công tác PCTN. Theo đó, tặng Bằng khen cho 8 tập thể và 3 cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện Luật PCTN gồm: Ban Nội chính Trung ương; UBND tỉnh Thái Nguyên; Cục Chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ); TAND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh; Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án tham nhũng chức vụ (Viện KSND Tối cao); Thanh tra Bộ Ngoại giao; Thanh tra tỉnh Đồng Tháp; Thanh tra tỉnh Đắk Nông; ông Nguyễn Sơn, Phó Chánh án TAND Tối cao; ông Nguyễn Hải Phong, Phó Viện trưởng Viện KSND Tối cao; Hồ Xuân Sơn, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao

Phương Hiếu


Số lượt người xem: 2119    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Tìm kiếm