SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
3
4
4
0
6
2
7
Tin tức sự kiện 20 Tháng Năm 2011 4:15:00 CH

Câu chuyện cảm động về Bác

 

 

 

Vào ngày 30/4 của 36 năm trước, trong khí thế hào hùng của cả dân tộc, Đoàn quân giải phóng đang tiến về Sài gòn để chấm dứt cuộc chinh chiến lâu dài và giành lại độc lập hoàn toàn cho dân tộc Việt Nam. Thành công này chúng ta không thể nào không nhớ đến công lao của Chủ tịch Hồ Chí Minh- vị cha già của dân tộc.

Mùa hè năm 1967, trời Hà Nội oi bức. Bác dù tuổi đã cao và yếu đi nhiều. Nhưng ngày ba bữa, Bác vẫn tự mình từ nhà sàn đi bộ đến nhà ăn. Một phần không muốn phiền anh em phục vụ, phần nữa Bác muốn đặt ra cho mình một kỷ luật, buộc mình phải vận động, rèn luyện chống lại cái suy yếu của tuổi già nên dễ bị toát mồ hôi, có ngày phải thay mấy lần quần áo, có khi hong tại chỗ, rồi lại thay ngay thế nhưng Bác vẫn không cho dùng máy điều hòa nhiệt độ. Bác bảo: mùi nó hôi lắm, Bác không chịu được! Thật ra, Bác không muốn dùng nên nói vậy thôi, chứ máy đã có nút xả thơm.

Thấy trời oi bức quá, Bác nói với đồng chí Vũ Kỳ - lúc bấy giờ là thư ký của Bác

- Nắng nóng thế này, các chú bộ đội trực phòng không trên nóc hội trường Ba Đình thì chịu sao được? Các chú ấy có đủ nước uống không? Chú thử lên tìm hiểu xem thế nào, về cho Bác biết.

Đồng chí Vũ Kỳ lên nóc hội trường, trời nắng chói, đứng một lúc mà hoa cả mắt, trên này có một tổ súng máy 14 ly 5. Ụ cát sơ sài, nếu địch bắn vào thì chỉ có hy sinh, rất nguy hiểm. Sau hồi lâu thăm hỏi, đồng chí được biết: Anh em trên này nước chè thường không có để uống nói gì đến nước ngọt. Đồng chí Vũ Kỳ về nói lại với Bác, Bác gọi điện ngay cho đồng chí Văn Tiến Dũng – lúc này là Tổng Tham mưu trưởng QĐND VN.

 - Sao các chú không lo đủ nước uống cho các chiến sĩ trực phòng không? Nghe nói ụ súng trên nóc hội trường Ba Đình rất sơ sài, chú phải lo sửa ngay để đảm bảo an toàn cho chiến sĩ trong chiến đấu!

Sau đó Bác bảo đồng chí Vũ Kỳ đi lấy sổ tiết kiệm của Bác, xem tiền tiết kiệm của Bác còn bao nhiêu. Đồng chí Vũ Kỳ xem sổ và báo cáo:

- Thưa Bác, còn lại tất cả hơn 25.000 đồng (lúc đó là một món tiền rất lớn, tương đương với khoảng 60 lượng vàng). Bác bảo:

- Chú chuyển ngay số tiền đó cho Bộ Tổng tham mưu và nói: đó là quà của Bác tặng để mua nước ngọt cho anh em chiến sĩ trực phòng không uống, không phải chỉ cho những chiến sĩ ở Ba Đình, mà cho tất cả các chiến sĩ đang trực chiến trên mâm pháo ở khắp miền Bắc. Nếu số tiền đó không đủ thì yêu cầu địa phương nào có bộ đội phòng không trực chiến góp sức vào cùng lo!

Số tiền của Bác chuyển đến đủ mua nước uống cho bộ đội phòng không, không quân được một tuần!

Chắc các anh chị cũng thắc mắc về số tiền tiết kiệm của bác.

Thật ra tiền tiết kiệm không phải được trích từ lương của Bác mặc dù lương của Bác cao nhất nước, nhưng hàng tháng cũng chỉ đủ tiêu. Mọi chi phí cho sinh hoạt của Bác, từ cái chổi lông gà, đều ghi vào lương cả.

Mà là tiền do các báo trả nhuận bút cho Bác. Bác viết báo nhiều, có năm hàng trăm bài. Các báo gửi đến bao nhiêu, văn phòng đều gửi vào sổ tiết kiệm của Bác. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Bác cũng đã có tiền tiết kiệm. Đến dịp Tết Nguyên đán, Bác lại đem chia cho cán bộ các cơ quan chung quanh Bác, mua lợn để đón xuân.

    Cuộc sống của Bác thật giản dị, nhưng tấm lòng của Bác thật bao la. Bác thường nói rằng: “…Khi không nên tiêu xài thì một đồng xu cũng không nên tiêu. Khi có việc đáng làm, việc ích lợi cho đồng bào, cho Tổ quốc, thì dù bao nhiêu công, tốn bao nhiêu của, cũng vui lòng. 

    Tình cảm Bác dành cho các chiến sĩ sao mà sâu sắc quá, sâu sắc không vì những lời nói suông mà chính từ những việc làm đơn giản, nhưng có mấy ai làm được như bác. Chính vì lẽ đó những tình cảm của quân dân ta dành cho Bác đã hóa thành những lời ca tiếng hát thật đẹp đẽ và trường tồn.

Chiến tranh đã đi qua, Chúng ta hôm nay không phải cầm súng, đặc biệt là thế hệ trẻ chúng tôi khó mà cảm nhận được lằn ranh sống – chết. Nhưng chúng ta cũng là những người lính đã, đang và sẽ liên tục chiến đấu không ngừng trên mặt trận với những viên đạn bọc đường ngọt lịm mà chỉ cần một giây xao lòng là bước qua sợi chỉ quá mỏng manh của lằn ranh giữa tốt và xấu. Nếu trong quá khứ, lời kêu gọi của Người vang dậy núi sông, là tiếng trống giục giã  từng đoàn quân trùng trùng điệp điệp nối tiếp nhau ra đi với lời thề son sắt, linh thiêng:quyết giành độc lập cho nước nhà thì hôm nay nghe theo lời Bác, thế hệ chúng ta hôm nay phải sống và làm việc sao cho xứng đáng với Bác Hồ kính yêu. Chúng ta cũng luôn tâm niệm rằng: cách tốt nhất để tri ân mà không hổ thẹn với quá khứ chính là làm cho cuộc sống hôm nay tốt đẹp hơn xứng đáng là người viết tiếp những trang sử vẻ vang của đất nước, của dân tộc.

          Tố Linh

 

 


Số lượt người xem: 13170    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Tìm kiếm